Sếp cài phần mềm theo dõi vào laptop, nhiều nhân viên làm từ xa mất việc vì lười biếng
Làm việc từ xa không có nghĩa là bạn thoát khỏi sự giám sát của sếp.
Tại Úc, một người phụ nữ cho biết bị sa thải khỏi vai trò cố vấn sau khi phần mềm giám sát của chủ lao động phát hiện ra "hoạt động gõ phím rất ít" trên máy tính xách tay (laptop) của cô trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12.2022. Trong một hồ sơ gần đây, người quản lý của cô cho biết công việc này yêu cầu hơn 500 lần nhấn phím mỗi giờ, nhưng trung bình cô chỉ nhấn phím chưa đến 100 lần mỗi giờ.
Vào tháng 7, Michael Patrón (ông chủ một công ty) lên X chia sẻ rằng vừa sa thải hai nhân viên sử dụng công nghệ di chuyển chuột tự động để giả vờ làm việc. Sau khi họ bỏ lỡ các hạn chót và trễ lịch trả lời tin nhắn, Michael Patrón cho biết một báo cáo từ Time Doctor (công ty cung cấp phần mềm phân tích ngày làm việc) cho thấy hai nhân viên trên không đánh máy trong một khoảng thời gian dài.
Đáp lại dòng tweet trên, Liam Martin, người đồng sáng lập Time Doctor, đã hỏi Michael Patrón liệu ông có đang sử dụng công cụ theo dõi mới nhất của công ty không. Trang Insider chưa thể liên hệ với Michael Patrón để tìm kiếm bình luận.
Carlo Borja, Giám đốc tiếp thị nội dung của Time Doctor, nói với Insider rằng công ty cung cấp bảng điều khiển và báo cáo tiến độ theo thời gian thực để giúp các công ty đánh giá mức năng suất của nhân viên, đặc biệt là thời gian ra vào, nghỉ giải lao cũng như việc sử dụng web và ứng dụng.
Time Doctor cũng cung cấp công cụ theo dõi màn hình cho phép doanh nghiệp xem màn hình của nhân viên thông qua bản ghi hoặc ảnh chụp. Công cụ này có thể được bật và tắt nếu cần.
Carlo Borja nói: “Chúng tôi giúp các công ty yên tâm hơn nhờ phân tích năng suất”.
Theo Carlo Borja, Time Doctor đã chứng kiến hoạt động kinh doanh khởi sắc trong vài năm qua khi làm việc từ xa bắt đầu phát triển và phong trào quay trở lại văn phòng làm không loại bỏ nhu cầu về dùng phần mềm theo dõi nhân viên.
Ông nói: “Bây giờ, sau đại dịch, ngay cả khi mọi người quay trở lại văn phòng, các công ty cũng đang thích nghi với mô hình làm việc kết hợp (vừa làm tại văn phòng vừa làm từ xa - PV). Điều đó khiến Time Doctor càng có giá trị hơn”.
Các doanh nghiệp từ lâu đã sử dụng phần mềm để theo dõi nhân viên. Song khi ngày càng có nhiều công ty áp dụng hình thức làm việc kết hợp và hoàn toàn từ xa những năm gần đây, phần mềm dạng này đã trở nên phổ biến hơn nhiều. Carlo Borja cho biết hơn 298.000 nhân viên trên toàn cầu đang bị theo dõi bằng phần mềm của Time Doctor, khách hàng lớn nhất của họ là ở Mỹ, Anh và Úc.
Theo cuộc khảo sát vào tháng 3 của công ty Resume Builder với 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ có lực lượng lao động chủ yếu làm việc từ xa hoặc làm kết hợp, 96% trong số họ sử dụng một dạng phần mềm giám sát nhân viên, đôi khi được gọi là bossware, để theo dõi năng suất làm việc của người lao động. Cuộc khảo sát cho thấy trước đại dịch, chỉ 10% trong số các công ty đó sử dụng nó. Khoảng 3/4 số người được hỏi cho biết đã sa thải nhân viên dựa trên những phát hiện từ phần mềm theo dõi họ.
Ví dụ, hệ thống giám sát của hãng dịch vụ tài chính JPMorgan (Mỹ) theo dõi mọi thứ, từ việc đi làm tại văn phòng đến thời gian soạn email, theo Insider. Tại nhà máy của Tesla ở New York (Mỹ), các nhân viên nói với trang Bloomberg rằng công ty theo dõi mức độ hoạt động trên máy tính nên họ tránh tạm dừng làm việc để đi vệ sinh.
Các công ty khác theo dõi các cú nhấp chuột hoặc sử dụng ảnh webcam để đảm bảo nhân viên đang làm việc tại máy tính của họ. 8 trong số 10 công ty tư nhân lớn nhất Mỹ theo dõi năng suất của nhân viên, tờ New York Times đưa tin.
Ở cuộc khảo sát của Resume Builder, chỉ có 5% trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sử dụng phần mềm theo dõi nhưng nhân viên của họ không biết đang bị theo dõi. Dù Carlo Borja cho biết Time Doctor khuyến khích khách hàng tiết lộ việc sử dụng phần mềm theo dõi cho nhân viên nhưng không thể đảm bảo rằng họ sẽ làm như vậy. Ông nói: “Cuối cùng thì đó vẫn là sự lựa chọn của chủ công ty”.
Trang web Time Doctor cho biết khách hàng nên minh bạch với nhân viên của mình để họ biết rằng mình phải chịu trách nhiệm và có thể cắt giảm mọi hoạt động lãng phí thời gian.
Những nhân viên không hài lòng với việc bị theo dõi có thể không làm gì được. Ví dụ từ chối bật webcam trong cuộc họp có thể khiến chủ lao động có quyền sa thải nhân viên nếu họ sống ở Mỹ, các chuyên gia pháp lý trước đây nói với Insider.
Một số người tại các công ty cung cấp phần mềm theo dõi nhân viên đã bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư.
Một nhân viên Time Doctor nói với Insider: “Mọi người trong ngành đều nói về điều đó. Bạn có con mắt toàn diện của nhà độc tài để theo dõi mọi thứ mà nhân viên đang làm và điều đó hơi rùng rợn”.