Sếp lo làm việc ở nhà làm giảm năng suất, số liệu cho thấy ngược lại
Trong khi những người sếp cho rằng nhân viên của mình làm việc ở nhà không năng suất bằng ở văn phòng, số liệu lại chỉ ra điều ngược lại.
Nhiều công ty phải dùng phần mềm theo dõi quá trình làm việc của nhân viên mình vì lo sợ họ làm việc không đủ chăm chỉ có thể gây ảnh hưởng tới năng suất công việc, theo Fortune. Tuy nhiên, dữ liệu đã chỉ ra rằng đó chỉ là nỗi lo hão khi năng suất làm việc tăng lên đáng kể sau đại dịch. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy không hẳn nhân viên nào cũng muốn làm việc ở nhà.
Hoang tưởng năng suất
Khảo sát của Microsoft trên 20.000 người từ 11 quốc gia đã tiết lộ rằng trên thực tế, mọi người làm việc nhiều hơn khi ở nhà nhưng các sếp vẫn hoài nghi về độ hiệu quả của nhân viên.
Theo đó, trong khi 87% nhân viên cho biết họ làm việc hiệu quả khi ở nhà, 85% các nhà lãnh đạo cho biết việc làm việc kết hợp 2 hình thức ở nhà và tại văn phòng khiến họ hoài nghi về năng suất của nhân viên mình. Và chỉ 12% nhà lãnh đạo cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào năng suất làm việc của nhân viên.
Ngoài ra Microsoft cũng làm một cuộc phân tích từ hàng tỷ dữ liệu của mình và rút ra được rằng năng suất làm việc của nhân viên nói chung có thể cao hơn so với thời điểm trước đại dịch.
Theo đó, trung bình người dùng Microsoft Teams được cho là đang tham dự nhiều cuộc họp hơn 153% so với thời điểm bắt đầu đại dịch. Ngoài ra, nhiều cá nhân nhận thấy mình gặp khó khăn khi sắp xếp các cuộc họp chồng chéo, làm việc đa nhiệm và thường xuyên phải từ chối các lời mời họp.
"Đây gọi là chứng hoang tưởng năng suất. Dù số giờ làm việc, số lượng cuộc họp và các số liệu liên quan đều tăng lên, các nhà lãnh đạo vẫn lo sợ nhân viên mình làm việc không chăm chỉ, ảnh hưởng đến năng suất làm việc", Microsoft viết trong báo cáo.
Microsoft cũng nhấn mạnh tác động của việc doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng theo dõi năng suất người lao động có thể khiến người lao động và lãnh đạo mất dần niềm tin vào nhau và ảnh hưởng đến năng suất làm việc.
"Tôi tự tin khẳng định rằng dữ liệu từ theo dõi của quý vị hoàn toàn không chính xác. Chưa kể, hoạt động này còn làm suy yếu lòng tin. Lòng tin là yếu tố quan trọng làm nên thành công của một tổ chức. Nếu đã mất đi, rất khó lấy về", Phó chủ tịch của Microsoft Jared Spataro trả lời tạp chí Fortune.
Muốn lên văn phòng
Việc hoài nghi về năng suất của nhân viên khiến nhiều lãnh đạo phản đối việc làm việc từ xa. Elon Musk và Malcolm Gladwell đã công khai chỉ trích làm việc từ xa như một kẻ hủy diệt năng suất. Apple đã yêu cầu nhân viên của họ trở lại văn phòng. Và IBM cũng đã có kế hoạch đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà lãnh đạo đều phản đối làm việc từ xa hoặc kết hợp. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng 82% giám đốc tài chính cho biết hình thức làm việc kết hợp phù hợp hơn trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Trong khi đó, các nhà quản lý cấp trung nhận thấy họ vẫn phân vân không biết nên yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng hay không.
Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy các ông chủ dường như đang lo xa khi hầu hết mọi người không muốn làm việc từ xa hoàn toàn.
Theo dữ liệu từ Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Stanford Nick Bloom và WFH Research, trung bình, chỉ có 31% người lao động muốn làm việc từ xa hoàn toàn. Hầu như người lao động thích lên văn phòng 2-3 lần/tuần nếu có mục đích phù hợp.
Cụ thể, chỉ 24% người lao động trong độ tuổi 20-29 thích làm việc từ xa hoàn toàn. GS Bloom cho rằng điều này là do họ muốn được cố vấn trực tiếp và thích giao tiếp xã hội. Mức độ yêu thích làm việc từ xa tăng dần theo độ tuổi với 29% ở người lao động trong khoảng 30-39 tuổi, 33,2% ở người lao động 40-49 tuổi. Người lao động trong độ tuổi 50-64 muốn được làm việc từ xa nhất với 40,9%.
Nhiều người sếp vẫn hy vọng hình thức làm việc có thể quay lại thời điểm trước 2019: mọi người đến giờ lên văn phòng và vào làm việc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đã đến lúc chúng ta phải cân nhắc về các hình thức làm việc trong tương lai cũng như vai trò của văn phòng thực sự là gì.