Serbia kêu gọi phương Tây ngăn chặn chiến tranh mới ở Balkan
Trên mạng xã hội, Tổng thống Serbia cho biết: 'Tôi đã nói chuyện với đại diện của Quinta và EU. Tôi yêu cầu họ làm mọi thứ trong khả năng của mình và không để gây ra một cuộc chiến mới ở Balkan.'
Ngày 16/6, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã kêu gọi các nước phương Tây ngăn chặn các hành động gây căng thẳng của chính quyền Kosovo ở Pristina và ngăn chặn cuộc chiến mới ở Balkan.
Đợt căng thẳng mới đang diễn ra ở Kosovo và Metohija.
Ngày 14/6, Serbia tuyên bố bắt giữ ba lính đặc nhiệm Kosovo trên lãnh thổ Serbia. Ngày 15/6, Tổng thống Serbia đã gặp các đại sứ của nhóm Quinta (Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Italy) và trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại Serbia.
Tại Belgrade, Tổng thống Vucic cũng đã gặp chỉ huy lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Kosovo và Metohija (KiM) KFOR, Tướng Michele Ristuccia.
Trên tài khoản mạng xã hội, Tổng thống Serbia cho biết: "Tôi đã nói chuyện với đại diện của Quinta và EU. Tôi yêu cầu họ làm mọi thứ trong khả năng của mình và không để gây ra một cuộc chiến mới ở Balkan."
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc Belgrade phải thả ba cảnh sát.
Hôm 14/6, Kosovo cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa và cung cấp hàng hóa từ miền Trung Serbia. Tổng thống Vucic cáo buộc Kosovo ngăn cản người Serbia ở miền Bắc vùng lãnh thổ này có được thức ăn và thuốc men.
Tình trạng bất ổn trong khu vực đã gia tăng kể từ cuộc bầu cử tháng Tư, sau khi người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti quyết định bổ nhiệm một loạt thị trưởng sắc tộc Albania tại những khu vực đông người gốc Serbia sinh sống.
Những căng thẳng gần đây ở Kosovo cũng đã khiến NATO gửi thêm quân đến khu vực. Liên minh cho biết họ sẽ gửi thêm 700 binh sỹ vào Kosovo, nâng số quân của NATO ở đây lên 4.700.
Kosovo - vùng lãnh thổ có dân số chủ yếu là người gốc Albania, từng là một tỉnh của Serbia, nhưng đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008. Đến nay, Serbia không công nhận và vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của mình./.