Serbia tuyên bố đạt mức dự trữ khí đốt lịch sử, mặc EU vẫn 'đau đầu' với kế hoạch khẩn cấp
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố lượng dự trữ khí đốt của nước này hiện đã đạt mức cao lịch sử và có thể đảm bảo cho mùa Đông sắp tới.
Trên tài khoản Instagram, ông Vucic viết: “262 triệu m3 khí đốt đã được đảm bảo trong kho của chúng tôi ở Banatski Dvor và chúng tôi đã mua thêm 200 triệu m3 nữa, đang được lưu trữ ở Hungary dành riêng cho nhu cầu của Serbia”.
Tổng thống Vucic cho biết thêm, nước này đang tận dụng mọi khả năng về nhiên liệu và cố gắng mở thêm các mỏ than mới. Ông tin tưởng, “người dân Serbia ít ra sẽ có một mùa Đông ít lạnh hơn so với những gì chúng tôi dự đoán”.
Trong khi đó, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới do nguồn cung khan hiếm, theo kế hoạch mới được Liên minh châu Âu (EU) chính thức thông qua ngày 5/8, có hiệu lực vào ngày 9/8, các thành viên được yêu cầu giảm nhu cầu khí đốt, tìm cách dự trữ khí đốt nhiều nhất có thể và chuẩn bị cho khả năng Nga cắt toàn bộ nguồn cung cho khối này, do những căng thẳng liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Các nước thành viên cũng được yêu cầu giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ trong mùa Đông này và có thể sẽ buộc các nước thành viên phải thực hiện yêu cầu này một cách bắt buộc, nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, tờ CNN cho rằng, Serbia đã tạo ra "cơn đau đầu" cho EU khi thông báo về hỏa thuận khí đốt mới kéo dài 3 năm với nhà cung cấp năng lượng Nga Gazprom. Dù Serbia không phải thành viên EU, nhưng nước này là một phần của kế hoạch mở rộng EU, cùng với một số nước láng giềng.
Trong số các quốc gia Balkan, Serbia được coi là rất quan trọng vì nhiều lý do. Quy mô, dân số và vị trí địa lý của Serbia khiến nước này trở thành một bên liên quan có tầm ảnh hưởng trong địa chính trị khu vực.
"Serbia lớn và quan trọng đến mức rất thiết yếu cho dự án mở rộng của EU, nhằm tăng cường và mở rộng các giá trị, sự ổn định và an ninh của Châu Âu. Serbia cũng lớn và quan trọng ở mức có thể thực hiện thỏa thuận với Nga, Trung Quốc và EU cùng lúc", CNN bình luận.