SEVEN.am, Khaisilk: Cặp 'đôi vàng' trong làng gian dối, cắt mác Trung Quốc thành 'hàng nhà'?

Khi cơ quan chức năng vẫn điều tra, xác minh sự việc Khaisilk bán khăn lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt, mới đây thương hiệu thời trang SEVEN.am cũng bị tố cắt mác Trung Quốc thành 'hàng nhà', khiến dư luận không khỏi xôn xao.

Đến thời điểm này, nhiều người hẳn vẫn chưa quên sự việc hồi cuối tháng 10/2017, Công ty TNHH Khải Đức (chủ thương hiệu Khaisilk) phải đối mặt với khủng hoảng nặng nề, khi một khách hàng phản ánh mua khăn lụa không đúng xuất xứ trên nhãn mác.

Sau đó, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Công ty này đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và đóng cửa toàn bộ hệ thống cửa hàng Khaisilk để phục vụ công tác điều tra.

Theo kết luận của Bộ Công Thương, từ năm 2012, Khải Đức không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước mà chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

KhaiSilk bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá "Made in Vietnam"?.

KhaiSilk bán khăn lụa “Made in China” nhưng quảng bá "Made in Vietnam"?.

Công ty này đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng. Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk cho thấy, không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hóa về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.

Ngoài ra, Khải Đức có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng khi ghi nhãn hàng hóa...

 Doanh nhân Hoàng Khải.

Doanh nhân Hoàng Khải.

Khi vụ bê bối Khaisilk xảy ra cách đây 2 năm vẫn đang được cơ quan Công an điều tra, xác minh thì mới đây nghi vấn tương tự đã xảy ra với thương hiệu thời trang SEVEN.am của ông Nguyễn Vũ Hải Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần MHA.

Cụ thể, thương hiệu thời trang SEVEN.am đã bị tố nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác.

Thông tin này được báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, những kiện hàng như túi, khăn, quần áo… được đưa về kho của Công ty cổ phần MHA ở tầng 4, tòa nhà Hesco (địa chỉ 135 Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội). Trước khi xuất đi hàng chục showroom, các công nhân sẽ kiểm tra từng sản phẩm, nếu thấy bất kỳ chữ Trung Quốc nào sẽ phải loại bỏ ngay và thay vào đó bằng nhãn hiệu SEVEN.am.

 Sản phẩm được cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.am. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô).

Sản phẩm được cắt chữ Trung Quốc tại kho SEVEN.am. (Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô).

Ngày 11/11/2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tổng kiểm tra đồng loạt 5 hệ thống cửa hàng SEVEN.am tại Hà Nội, gồm: số 146-148 Tôn Đức Thắng; 11 Kim Đồng; 146 Thái Hà; 135 Trần Phú, Hà Đông; 506 Nguyễn Văn Cừ.

Qua kiểm tra, tổng số hàng hóa tại 5 cơ sở là 9.035 sản phẩm gồm: 5445 chiếc đầm, 409 chiếc chân váy, 1.902 chiếc áo khoác, 838 chiếc áo, 279 chiếc quần, 124 bộ quần áo, 24 túi xách và 14 chiếc ví.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ của các cửa hàng kinh doanh mới chỉ xuất trình cho đoàn kiểm tra đăng ký nhãn hiệu SEVEN.am, còn hạn sử dụng; Giấy chứng nhận hợp quy số 14518064. Về hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, các chủ cửa hàng đều không xuất trình được. Đồng thời, chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định.

Đội Quản lý thị trường số 14 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau đó đã tiến hành tạm giữ toàn bộ 9.035 sản phẩm để điều tra, làm rõ. Cùng với đó, Đội này đã lấy 3 mẫu sản phẩm để giám định chất lượng.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng SEVEN.am tại Hà Nội sau nghi vấn nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác.

Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng SEVEN.am tại Hà Nội sau nghi vấn nhập hàng Trung Quốc rồi cắt mác.

Hiện lùm xùm xảy ra với hai thương hiệu SEVEN.am và Khaisilk vẫn đang khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Một số người sau đó còn thẳng thắn kêu gọi “tẩy chay” các dòng sản phẩm của hai thương hiệu nếu đúng là buôn bán gian dối, cắt mác Trung Quốc thành "hàng nhà"?

 Ông Nguyễn Vũ Hải Anh.

Ông Nguyễn Vũ Hải Anh.

Anh Nhất Nam (32 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, thị trường tiêu dùng có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tâm lý chung của khách hàng nếu đã bị lừa dối một lần thì sẽ không có lần sau. Vẫn chưa rõ thực hư thời trang SEVEN.am cắt mác Trung Quốc có gian dối hay không, nhưng qua thông tin báo đài phản ánh và sự vào cuộc của cơ quan chức năng, rồi đến việc hàng loạt cửa hàng thương hiệu này đóng cửa bất ngờ cũng đủ khiến tâm lý người tiêu dùng hoang mang rồi”.

Tương tự, chị Kim Lý (47 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, việc thương hiệu thời trang SEVEN.am cắt mác gốc Trung Quốc đã đủ thấy hành vi lừa dối khách hàng ra sao. Đó là chưa kể đến các sản phẩm của thương hiệu này trên thị trường tiêu dùng có giá thành rất cao. Nếu đúng là SEVEN.am lừa dối người tiêu dùng thì hành vi này là không thể chấp nhận được. Ngược lại, nếu cơ quan chức năng đưa ra kết luận không phải “gian dối”, thì uy tín của thương hiệu này cũng phần nào bị suy giảm, rất khó để thu hút khách hàng.

“SEVEN.am, Khaisilk là hai thương hiệu vô cùng nổi tiếng, nên tôi cho rằng cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra và công khai kết quả trước công luận. Nếu đúng cặp "đôi vàng" này cắt mác Trung Quốc thành "hàng nhà" thì nên tránh xa”, chị Quỳnh Anh (34 tuổi, Hà Nội) nhấn mạnh.

Hiện các thông tin liên quan đến cả hai thương hiệu Khaisilk và SEVEN.am vẫn đang thu hút sự chú ý của dư luận.

Khánh Hoài

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/sevenam-khaisilk-cap-doi-vang-trong-lang-gian-doi-cat-mac-trung-quoc-thanh-hang-nha-1302854.html