SGK Khoa học tự nhiên 7 viết 'nước có tính chất dẫn điện dẫn nhiệt tốt' có đúng?

Giáo viên không đồng tình với kết luận 'nước có tính chất dẫn điện và dẫn nhiệt tốt' trong sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 7.

Một giáo viên cho biết, cô đi dự giờ đồng nghiệp dạy môn Khoa học tự nhiên 7 - bộ Chân trời sáng tạo (Cao Cự Giác – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) thì phát hiện trong sách giáo khoa phần nội dung “Tìm hiểu cấu trúc và tính chất của nước” (Bài 28) kết luận: “Nước có tính dẫn điện và dẫn nhiệt tốt”.

“Tôi rất bất ngờ với nội dung trình bày trong sách giáo khoa. Ngay sau đó, qua kiểm chứng thì tôi khá bất ngờ khi rất nhiều website hướng dẫn giải bài tập, cũng như nhiều giáo viên trên các kênh Youtube cũng đang giảng dạy kiến thức sai đó.

Đặc biệt, bao gồm những kênh Youtube nổi tiếng với hàng trăm ngàn đến hơn triệu thành viên đăng ký.

Căn cứ theo thông tin của Nhà xuất bản Giáo dục thì có 35.000 bản sách giáo khoa đã được xuất bản từ tháng 07/2022. Hầu hết số lượng sách giáo khoa này đang được giáo viên cũng như học sinh trên cả nước sử dụng.

Câu hỏi đặt ra là, đến nay những người có trách nhiệm về việc biên soạn sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 7 đã khắc phục những sai sót này chưa?”, cô giáo băn khoăn.

Theo tìm hiểu của người viết, một số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên bậc trung học cơ sở và môn Hóa học bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng không đồng tình với kết luận “nước có tính chất dẫn điện và dẫn nhiệt tốt”.

Thầy cô nêu chung rằng, nước tinh khiết điện li rất kém, xem như không điện li. Nên nước tinh khiết gần như không dẫn điện.

Nội dung bài học trong sách Khoa học tự nhiên 7. (Nguồn ảnh:Lưu Huỳnh Vạn Long)

Nội dung bài học trong sách Khoa học tự nhiên 7. (Nguồn ảnh:Lưu Huỳnh Vạn Long)

Giảng viên môn Hóa học nói gì?

Liên quan đến nội dung sách giáo khoa viết “nước có tính chất dẫn điện và dẫn nhiệt tốt”, chia sẻ với người viết, Thạc sĩ Lưu Huỳnh Vạn Long (Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nêu một số quan điểm như sau:

"Thứ nhất, sách giáo khoa viết: “Nước là một dung môi phân cực có khả năng hòa tan nhiều chất như: muối, đường, oxygen, carbon dioxide,...; không hòa tan được dầu, mỡ,... ”. Về kiến thức, câu này không sai, nhưng diễn đạt chưa rõ ràng và chưa hợp lý.

Cụ thể: Sách giáo khoa trình bày “dung môi phân cực” ở đây chưa hợp lý, bởi dẫn đến sẽ hiểu là “nước là dung môi phân cực nên sẽ hòa tan nhiều chất như muối, đường, oxygen, carbon dioxide”, trong khi các chất liệt kê vừa có tính phân cực vừa không phân cực.

Nên bỏ từ “phân cực” bởi vì đoạn kế tiếp trong sách giáo khoa đã trình bày và giải thích rõ về “tính phân cực” của nước.

Từ “muối” cũng gây khó hiểu, bởi học sinh lớp 7 về kiến thức hóa học thường chỉ biết “muối ăn” nên cần ghi rõ “muối ăn” (do khái niệm muối rất rộng bao gồm muối tan nhiều, tan ít khác nhau).

Mặc khác, do độ tan trong nước của các chất “muối, đường, oxygen, carbon dioxide” rất khác nhau nên để tránh “hiểu nhầm” trong diễn đạt thì nên bỏ đi các chất “oxygen, carbon dioxide”.

Đề xuất lại: “Nước là một dung môi có khả năng hòa tan nhiều chất như: muối ăn, đường, ...; không hòa tan được dầu, mỡ,... ”

Thứ hai, sách giáo khoa viết: “nước còn có tính dẫn điện và dẫn nhiệt tốt”. Sách giáo khoa viết như vậy là sai kiến thức cơ bản. Nước nguyên chất không có tính dẫn điện và dẫn nhiệt.

Đề xuất lại: Có thể không trình bày về tính dẫn điện và dẫn nhiệt của nước hoặc nếu muốn trình bày thì phải viết đúng kiến thức.

Thứ ba, sách giáo khoa viết: “... có khả năng kết hợp với các chất hóa học để tạo thành nhiều hợp chất khác nhau”. Cách dùng từ “kết hợp” cũng như những từ “các”, “nhiều” và “hợp chất” trong câu này chưa hợp lý khi diễn đạt về tính chất hóa học của nước.

Đề xuất lại: “... có khả năng tác dụng với nhiều chất hóa học để tạo thành các chất khác nhau”.

Thứ tư, hình 28.1 (xem ảnh ở phần nêu trên) biểu diễn điện tích bằng dấu (-) và (+) chưa hợp lý với phần giải thích là “tích điện âm một phần” và “tích điện dương một phần”.

Đề xuất lại: Sử dụng dấu (δ-) và (δ+) để biểu diễn điện tích.

Thứ năm, trong phần “Tóm tắt kiến thức trọng tâm” sách giáo khoa lặp lại kiến thức sai khi trình bày lại tính chất của nước “ có tính dẫn điện và dẫn nhiệt”.

Đề xuất lại: tương tự đề xuất như phần nội dung Thứ hai."

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một số giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và Hóa học, được tác giả Cao Nguyên ghi lại. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên (ghi)

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sgk-khoa-hoc-tu-nhien-7-viet-nuoc-co-tinh-chat-dan-dien-dan-nhiet-tot-co-dung-post233850.gd