SGK mới giúp học sinh hình thành tư duy hệ thống, vận dụng kiến thức vào thực tế

Theo đánh giá của giáo viên, nội dung SGK mới không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn tích hợp nhiều kỹ năng giúp người học phát triển năng lực toàn diện.

Trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm. Một trong những điểm nổi bật của quá trình đổi mới là sự thay đổi toàn diện về sách giáo khoa. Không chỉ là kho tri thức, sách giáo khoa mới còn được thiết kế gần gũi hơn với học sinh, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực và khả năng vận dụng thực tiễn.

Phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại, lấy người học làm trung tâm

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Giá (thành phố Thái Nguyên) cho biết, nhà trường đang sử dụng 2 bộ sách giáo khoa là “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản.

 Thạc sĩ Trần Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Giá (thành phố Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Trần Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Giá (thành phố Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Theo cô Hoài, 2 bộ sách giáo khoa nhà trường đang sử dụng hiện nay được thiết kế theo hướng lấy người học làm trung tâm, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại. Học sinh không còn tiếp thu kiến thức một chiều, mà được khuyến khích chủ động tìm tòi, thảo luận và khám phá. Sách còn có nhiều điểm đổi mới sáng tạo trong cách tổ chức nội dung và trình bày, hướng tới việc phát triển toàn diện năng lực học sinh, gắn kiến thức với thực tiễn và nhu cầu xã hội.

Chất lượng nội dung sách giáo khoa hiện nay đã có nhiều cải tiến rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học trong nhà trường.

Một trong những xu hướng nổi bật là việc tích hợp các môn học có liên quan giúp học sinh hình thành tư duy hệ thống và vận dụng kiến thức vào thực tế. Bên cạnh đó, các bài học được thiết kế gắn với những tình huống quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Thông qua đó, khuyến khích học sinh suy nghĩ, phân tích, liên hệ thực tế và rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các hoạt động trải nghiệm và vận dụng được tăng cường, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực, đồng thời tạo môi trường học tập tích cực, chủ động.

Nội dung các bài học trong sách giáo khoa mới được thiết kế theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về năng lực, sách giáo khoa giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học, kỹ năng giao tiếp và hợp tác; phát triển tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề; đồng thời nâng cao các năng lực đặc thù của môn học như ngôn ngữ, toán học, khoa học,...

Về phẩm chất, sách lồng ghép hiệu quả các giá trị như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và tinh thần trách nhiệm thông qua những chủ đề gần gũi, thiết thực và giàu tính giáo dục.

Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sách giáo khoa mới chú trọng phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Các nội dung, hoạt động học tập được lồng ghép nhằm rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề giúp học sinh tự tin và chủ động hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Nhờ những đổi mới này, học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả mà còn được rèn luyện, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của nền giáo dục hiện đại.

 Hoạt động học tập theo nhóm của học sinh Trường Tiểu học Cam Giá. Ảnh: NTCC

Hoạt động học tập theo nhóm của học sinh Trường Tiểu học Cam Giá. Ảnh: NTCC

Đánh giá về sách giáo khoa hiện nay, Thạc sĩ Lê Trọng Đức - giáo viên môn Địa lí, Trường Trung học phổ thông Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết, hiện nay, nhà trường sử dụng sách giáo khoa môn Địa lí trong bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sách giáo khoa mới của bộ môn này thể hiện sự đầu tư đồng bộ cả về nội dung lẫn hình thức.

Sách giáo khoa mới có nhiều thay đổi rõ nét so với sách giáo khoa trước đây, đặc biệt trong cách tiếp cận và tổ chức nội dung. Thay vì chỉ tập trung truyền thụ kiến thức, sách chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện cho học sinh.

Đặc biệt, sách giáo khoa Địa lí nhà trường đang sử dụng đáp ứng được những yêu cầu đặc thù của môn học. Là môn học tích hợp giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, Địa lí có những đặc thù riêng, đòi hỏi sách giáo khoa không chỉ truyền tải kiến thức lý thuyết mà còn phải hỗ trợ học sinh phát triển tư duy tổng hợp, khả năng đọc hiểu bản đồ, xử lý số liệu và liên hệ thực tiễn. Hơn nữa, môn học này yêu cầu hình ảnh minh họa dễ hiểu, trực quan và gần gũi với cuộc sống.

Chẳng hạn, khi học về khí hậu hay địa hình, nếu chỉ đọc mô tả bằng chữ, học sinh sẽ khó hình dung được sự thay đổi hướng gió, dòng chảy, sự phân bố nhiệt độ hay lượng mưa theo không gian. Vì vậy, sách giáo khoa có hệ thống bản đồ, sơ đồ, biểu đồ rõ ràng, màu sắc hài hòa, cùng với hình ảnh thực tế giúp học sinh dễ tiếp cận và hiểu sâu vấn đề. Nhờ vậy, học môn Địa lí không còn chỉ là ghi nhớ mà trở thành quá trình khám phá, phân tích và vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn.

Các hoạt động học tập, bài tập và câu hỏi trong sách phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, bài học được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lồng ghép tình huống thực tế, câu hỏi mở và bài tập vận dụng. Sách mới đặt trọng tâm vào việc rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp và hợp tác, giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình học tập và ứng dụng kiến thức vào đời sống.

Theo thầy Đức, nội dung sách giáo khoa Địa lí nhà trường đang sử dụng nhìn chung phù hợp với trình độ và khả năng tiếp nhận của học sinh. Các bài học được sắp xếp từ cơ bản đến nâng cao, giúp các em tiếp thu một cách có hệ thống.

Tuy nhiên, một số học sinh, đặc biệt là những em còn yếu về kiến thức nền tảng còn gặp khó khăn khi tiếp cận các bài học đòi hỏi tư duy phân tích hoặc áp dụng vào thực tiễn. Đây là thách thức cần được giáo viên quan tâm hỗ trợ trong quá trình giảng dạy.

 Học sinh Trường Trung học phổ thông Hậu Nghĩa đọc sách trong thư viện. Ảnh NTCC

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hậu Nghĩa đọc sách trong thư viện. Ảnh NTCC

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Minh Phương - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Gia Lập (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, so với sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới rõ nét. Là tài liệu dạy học cơ bản và quan trọng, sách giáo khoa hiện nay được biên soạn nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh mà chương trình mới đề ra.

Đối với môn Ngữ văn, hiện nay, nhà trường đang sử dụng sách giáo khoa trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Với thông điệp “kết nối tri thức với cuộc sống”, cuốn sách được biên soạn theo mô hình hiện đại, chú trọng tính thực tiễn và gần gũi với đời sống.

Nội dung sách giáo khoa mới phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử, địa lí của tỉnh Ninh Bình. Sách cũng đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn xã Gia Lập và tương thích với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại trường.

Cấu trúc các bài học được thiết kế theo các mạch kỹ năng chính gồm: đọc, viết, nói và nghe. Cách tiếp cận này giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện năng lực ngôn ngữ và tư duy.

Điểm nổi bật là sách giáo khoa mới tiếp cận theo hướng phát triển năng lực người học. Học sinh không còn học tủ, học vẹt mà được yêu cầu vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống thực tiễn, từ đó hình thành tư duy phản biện và kỹ năng ngôn ngữ toàn diện.

Sách giáo khoa môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở đã có nhiều điều chỉnh đáng chú ý, đặc biệt là trong thiết kế bài học theo chủ đề. Việc đặt tên chủ đề, lời đề từ, giới thiệu bài học và yêu cầu cần đạt được trình bày rõ ràng, giúp giáo viên dễ dàng định hướng và học sinh có thể bao quát nội dung bài học một cách hiệu quả.

Các chủ đề được đặt tên gần gũi, gắn với trải nghiệm thực tế của học sinh như: “tôi và các bạn”, “gõ cửa trái tim”, “yêu thương và chia sẻ” (Ngữ văn 6, tập 1 – bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống),... Những chủ đề này không chỉ hấp dẫn mà còn hướng đến giáo dục phẩm chất và kỹ năng sống tích cực.

Dưới mỗi tên chủ đề là lời đề từ sinh động, khơi gợi liên tưởng và suy ngẫm. Chẳng hạn, bài “tôi và các bạn” mở đầu bằng lời ngạn ngữ phương Tây, giúp học sinh hiểu tinh thần bài học, qua đó rèn luyện sự nhân ái, chan hòa, khiêm tốn và tôn trọng sự khác biệt.

Ngoài ra, việc bổ sung “yêu cầu cần đạt” ngay đầu mỗi bài học lớn cũng giúp giáo viên và học sinh xác định rõ mục tiêu, từ đó tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp, hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc góp phần phát triển các năng lực chung, sách giáo khoa môn Ngữ văn còn giúp học sinh hình thành và phát triển hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Bên cạnh đó, hình thức trình bày sách giáo khoa mới cũng có nhiều đổi mới tích cực. Sách được bố cục khoa học, các bài học xây dựng theo chủ đề, kết hợp với hình ảnh minh họa phong phú, hiện đại, tạo sự hấp dẫn và tăng hứng thú học tập cho học sinh.

 Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương và học sinh trong một tiết học. Ảnh: NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phương và học sinh trong một tiết học. Ảnh: NVCC

Tăng tính trực quan và công nghệ số trong sách giáo khoa mới

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Giá, 2 bộ sách giáo khoa bậc tiểu học hiện nay trường sử dụng được trình bày logic, rõ ràng, chia thành các mục nhỏ kèm theo biểu tượng nhận diện như “em cần biết”, “hãy thử làm”, “em có biết”… giúp học sinh dễ nắm bắt nội dung và ghi nhớ lâu hơn.

Hình ảnh minh họa trong sách phong phú, từ tranh vẽ, sơ đồ, biểu đồ đến hình thực tế, không chỉ tạo hứng thú học tập mà còn giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách trực quan, dễ hiểu. Với học sinh tiểu học, điều này sẽ dễ dàng thu hút các em, khơi gợi hứng thú học tập, để học sinh tìm tòi, tìm hiểu kiến thức sâu rộng hơn nữa.

Đặc biệt, haibộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” đã tích hợp công nghệ hiện đại như học liệu số, sách mềm, video hỗ trợ… giúp đổi mới phương pháp dạy học, phù hợp với cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo cô Hoài, để sách giáo khoa thực sự phát huy vai trò trong việc phát triển toàn diện năng lực học sinh, cần có một số điều chỉnh phù hợp cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Trước hết, việc đa dạng hóa hình thức trình bày, sử dụng nhiều yếu tố trực quan, học liệu số và công nghệ hỗ trợ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập linh hoạt, hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, sách giáo khoa cũng cần được điều chỉnh phù hợp với điều kiện vùng miền, đáp ứng trình độ và nhu cầu học tập khác nhau của học sinh. Mặt khác, việc thường xuyên lấy ý kiến từ giáo viên, học sinh trong thực tiễn giảng dạy sẽ giúp cập nhật, cải tiến nội dung một cách kịp thời và sát thực hơn.

 Học sinh Trường Tiểu học Cam Giá trình bày sản phẩm tự sáng tạo trong tiết học Âm nhạc. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Cam Giá trình bày sản phẩm tự sáng tạo trong tiết học Âm nhạc. Ảnh: NTCC

Trong khi đó, Thạc sĩ Lê Trọng Đức chia sẻ: “Trong quá trình sử dụng sách giáo khoa mới, điểm tôi cảm thấy rất ấn tượng là việc tích hợp hình ảnh minh họa do chính tác giả thực hiện thực tế vào nội dung bài học.

Bên cạnh đó, màu sắc trang nhã, cách trình bày khoa học, dễ theo dõi, giúp học sinh tiếp cận bài học một cách tự nhiên và hiệu quả. Hình ảnh minh họa được chọn lọc phù hợp, góp phần làm phong phú nội dung và hỗ trợ học sinh hình dung rõ hơn bản chất các hiện tượng; các sơ đồ, bảng biểu, hình vẽ được thiết kế trực quan, dễ hiểu.

Những yếu tố này không chỉ giúp bài học thêm sinh động mà còn hỗ trợ học sinh dễ hình dung, ghi nhớ và tiếp thu kiến thức. Khi lý thuyết được gắn với thực tế, học sinh có thể hiểu bài sâu và hứng thú hơn trong quá trình học tập.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời lồng ghép các bài tập tình huống thực tế. Cách làm này không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn mà còn góp phần rèn luyện kỹ năng tư duy và vận dụng linh hoạt cho các em”.

Hải Ninh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sgk-moi-giup-hoc-sinh-hinh-thanh-tu-duy-he-thong-van-dung-kien-thuc-vao-thuc-te-post250617.gd