SGK mới lãng phí: Ai chịu trách nhiệm?

Các chuyên gia đều khẳng định, chủ trương 'một chương trình, nhiều SGK' là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến phản ánh về giá sách, tính ổn định của SGK cho thấy vấn đề về SGK mới đang tồn tại những bất cập.

Các NXB chạy theo lợi nhuận?

Theo chương trình mới, để chọn được những bộ SGK phù hợp nhất, các trường học được lựa chọn SGK theo từng năm học. Thế nên, việc lựa chọn SGK không phải một lần là xong.

Nhiều trường lựa chọn SGK sử dụng giảng dạy trong năm học này nhưng sang năm học sau lại lựa chọn SGK của NXB khác. Điều này vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tâm lý cho nhà trường, phụ huynh và học sinh.

Một trong số nguyên nhân khiến các nhà trường năm nay sử dụng SGK này nhưng sang năm chuyển bộ SGK khác là bởi SGK năm nay có “sạn” hoặc hướng tiếp cận chưa phù hợp.

Bộ SGK lớp 10 mới của NXB Giáo dục Việt Nam.

Bộ SGK lớp 10 mới của NXB Giáo dục Việt Nam.

Phó hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn Hà Nội cho biết, mỗi bộ SGK đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.

Năm học này, với lớp 6, nhà trường cũng lựa chọn lại một số đầu SGK của NXB khác so với năm học trước bởi thấy nội dung của những đầu SGK này có hướng tiếp cận phù hợp hơn.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bức xúc nhắc lại chuyện không tưởng về việc NXB Giáo dục Việt Nam hợp nhất 4 bộ SGK chỉ còn 2 bộ SGK.

Đó là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2021-2022, năm chương trình mới triển khai ở lớp 2 và lớp 6. NXB Giáo dục Việt Nam bất ngờ thông báo hợp nhất từ 4 bộ SGK ở lớp 1 thành 2 bộ SGK ở lớp 2.

Điều này đồng nghĩa với việc, 2 bộ sách bị “xóa sổ” không thể sử dụng được nữa.

GS.TS Phạm Tất Dong cho biết: “Việc sách đã thẩm định rồi mà lại công bố rút đi là không thể chấp nhận được. Đáng nói là cơ quan quản lý không đưa ra được lý do thỏa đáng dư luận vì sao 2 bộ sách này rút đi. Do in, phát hành không bán được hay không có người lựa chọn cũng không giải thích rõ ràng. Như vậy chỉ có người học chịu thiệt. Phụ huynh bỏ cả vài trăm nghìn đồng mua sách rồi không sử dụng nữa quá lãng phí”.

GS.TS Phạm Tất Dong đặt câu hỏi “ai chịu trách nhiệm về lãng phí này?”. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng: “Các NXB đang làm lũng đoạn thị trường SGK, chạy theo lợi nhuận và không vì học sinh”.

Làm sao lựa chọn sách khách quan?

Theo các chuyên gia giáo dục, chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến phản ánh về giá sách, tính ổn định của SGK cho thấy vấn đề về SGK mới đang tồn tại những bất cập.

GS.TSKH NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam cho hay, theo quy định tại Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Hội đồng lựa chọn SGK do UBND tỉnh, thành phố trục thuộc trung ương thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn SGK.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, việc giao quyền cho các địa phương sẽ dẫn tới tình trạng các nhóm tác giả đến từng địa phương để vận động lựa chọn SGK của đơn vị mình. Điều này khiến địa phương không lựa chọn được SGK tốt nhất.

Để giải quyết vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mậu Bành cho rằng: “Bất kỳ chương trình nào cũng có ưu điểm và nhược điểm kèm theo. Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK tới đây cần tính toán để làm sao khách quan; hội đồng thẩm định phải đọc hết từng đầu sách để chọn được bộ SGK phù hợp nhất với địa phương mình chứ không phải lựa chọn dựa trên sự vận động của nhóm tác giả”.

Trước đó, Đại Đoàn Kết Online cũng đã có loạt bài viết phản ánh về “sạn” trong SGK mới. Rõ ràng, sau 2 năm chương trình mới được triển khai, vấn đề về SGK cần nhiều việc phải bàn.

PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, hiện nay nhiều đơn vị đua nhau làm SGK dẫn tới cuộc cạnh tranh không lành mạnh.

Trước thực tế này, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, thanh tra nhà nước cần vào cuộc để xem xét, xử lý những bất cập còn tồn tại về vấn đề SGK chứ không thể giao quyền cho địa phương theo cách thả lỏng như hiện nay.

“SGK mà thay đổi xoành xoạch thì nguy hiểm quá. Nếu SGK có những sai sót, tồn tại không thể chấp nhận được thì ngành giáo dục cần nghiêm túc nhìn nhận, tìm hướng khắc phục, xử lý những người có trách nhiệm liên quan”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/sgk-moi-lang-phi-ai-chiu-trach-nhiem-5685662.html