SGK Tiếng Việt lớp 1 có dạy hay không dạy chứ 'P'?
Trước phản ánh về việc SGK lớp 1 bộ Kết nối trí thức với cuộc sống được đưa vào sử dụng toàn quốc hai năm nay không dạy chữ 'P' cho học sinh, tác giả đã có phản hồi về vấn đề này.
Sự việc gây thu hút dư luận khi nhà giáo Đào Quốc Vịnh, hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) viết một thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phản ánh sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ 'P' độc lập.
Trong thư ông cho rằng sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học, phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, chứ không phải chỉ dạy riêng cho học sinh người Kinh.
Sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Cho rằng bảng chữ cái tiếng Việt gồm 29 chữ cái nên được giữ trọn vẹn, nhà giáo Đào Quốc Vịnh đề nghị các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu NXB Giáo Dục Việt Nam, cụ thể là tổng biên tập bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" phải bổ sung ngay chữ ‘P’, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.
Trước thắc mắc này, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - khẳng định bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định của Bộ GD-ĐT (trang 12, tập 1). Đây là quy định "cứng", không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi.
Ông Hùng cho biết có 2 cách dạy chữ P, cách thứ nhất, có thể dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ). Trước khi học âm PH, các em được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P.
Cách thứ hai, có thể dạy âm P riêng và đưa những "từ ứng dụng" như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.
SGK Tiếng Việt 1 của Bộ GD-ĐT theo chương trình Tiếng Việt năm 2000 đã áp dụng cách thứ nhất.
SGK Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối, kế thừa cách dạy của SGK Tiếng Việt 1 năm 2000. Sau khi làm quen, tập đọc âm P ngay trước khi học âm PH, học sinh được luyện đọc âm đầu P trong một số bài học sau đó.
Giải thích về việc chọn cách thứ nhất, ông Bùi Mạnh Hùng cho biết thêm âm P và PH đều được học trong phần Âm, ở khoảng tuần 5 hoặc tuần 6 của lớp 1. Nếu dạy âm P riêng thì cần phải có "từ ứng dụng" để học sinh tập đọc và phát triển vốn từ.
Tác giả sẽ phải dùng những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô… mà không thể dùng các từ như Sa Pa, Nậm Pì… vì học sinh chưa được học âm S (trong Sa Pa) và vần ÂM (trong Nậm Pì)...
Ông Hùng cũng cho rằng học sinh lớp 1 mới học 5 - 6 tuần mà phải đọc và hiểu nghĩa của những từ như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô... là không phù hợp.
Về việc dạy âm P cuối âm tiết (hiện tượng phổ biến). Qua loạt bài dạy vần ở tập một như ap, ăp, âp (trang 118); op, ôp, ơp (trang 120); ep, êp, ip, up (trang 124),… và những từ như đã nêu ở trên (cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,…) thì có thể thấy rõ, SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối, có dạy chữ P âm cuối.
Tác giả khẳng định, cách dạy chữ P âm đầu và âm cuối ở bộ Kết nối là theo cách quen thuộc với giáo viên dạy tiếng Việt lớp 1 trên cả nước trong nhiều năm qua.
Được biết, theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, có 2 bộ sách do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên. SGK Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống ông Hùng đồng thời làm chủ biên. Bộ còn lại là Chân trời sáng tạo do PGS.TS Nguyễn Thị Ly Kha làm chủ biên.
Với âm 'P', hai bộ có cách dạy khác nhau. Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống dạy âm 'P' trong bài về âm 'PH'. Trong khi đó, bộ Chân trời sáng tạo có hẳn một bài dạy về âm 'P', đi liền là 'PH'.
Ông Hùng khẳng định, cả hai cách đều đúng, nhưng với quan điểm của nhóm tác giả bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cách dạy âm đầu P (âm pờ) trong bài dạy âm PH (âm phờ) hiệu quả hơn, dạy âm vần tiết kiệm thời gian hơn cách tách ra 2 bài của bộ Chân trời sáng tạo.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sgk-tieng-viet-lop-1-co-day-hay-khong-day-chu-p-post496614.antd