Shell và bài toán thu hẹp khoảng cách với các đối thủ Mỹ

Dù Shell tuyên bố tập trung trở lại vào dầu khí, ít ai tin rằng tập đoàn dầu khí Anh có thể bắt kịp ExxonMobil và Chevron.

Dù giới phân tích đánh giá cao chiến lược của Shell, không nhiều người tin rằng công ty có thể hoàn toàn thu hẹp khoảng cách với ExxonMobil hay Chevron. Ảnh Financial Times

Dù giới phân tích đánh giá cao chiến lược của Shell, không nhiều người tin rằng công ty có thể hoàn toàn thu hẹp khoảng cách với ExxonMobil hay Chevron. Ảnh Financial Times

Thay đổi chiến lược

Tuần này, CEO của Shell Wael Sawan đã đưa ra một kịch bản đầy ấn tượng về tương lai dài hạn của công ty: Trong 5 năm tới, hãng có thể mua lại tới 40% số cổ phiếu đang lưu hành.

Nhằm nâng định giá lên ngang bằng với các đối thủ Mỹ như ExxonMobil và Chevron, Shell hiện chi nhiều hơn cho cổ đông so với việc đầu tư vào tăng trưởng. Năm ngoái, công ty đã dành 23 tỷ USD cho cổ tức và mua lại cổ phiếu, trong khi chi tiêu vốn (capex) chỉ đạt 21 tỷ USD.

Chiến lược chuyển từ mở rộng sang tối ưu giá trị là một thay đổi lớn so với kế hoạch đầy tham vọng trước đây của Shell – khi công ty từng muốn trở thành "một tay chơi lớn" trong lĩnh vực điện năng và dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Giờ đây, Shell tiếp tục nghiêng hẳn về phía cổ đông, cam kết trả lại tới một nửa dòng tiền hoạt động. Tại Sở giao dịch chứng khoán New York hôm thứ Ba 25/3, Giám đốc tài chính Sinead Gorman nhấn mạnh rằng công ty đã lắng nghe mong muốn của nhà đầu tư: “Mọi người đều muốn một điều: Tiếp tục hoàn trả nhiều hơn”.

Nhà đầu tư cũng đáp lại bằng sự tín nhiệm. Cổ phiếu của Shell đã tăng hơn 20% kể từ khi ông Wael Sawan nhậm chức CEO vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Shell sẽ tăng trưởng như thế nào trong dài hạn, khi các mỏ dầu ở Vịnh Mexico và Brazil dần suy giảm sản lượng.

Khi được hỏi liệu Shell có đang tự làm suy yếu họ bằng cách hủy bỏ quá nhiều cổ phiếu hay không, ông Sawan tự tin trả lời rằng không lo ngại về việc có ít cổ đông hơn cùng chia sẻ “thành công” trong tương lai của công ty.

Dưới sự lãnh đạo của ông Sawan, Shell đã tinh gọn bộ máy, tập trung lại vào dầu khí, cắt giảm mạnh đầu tư vào năng lượng sạch và cam kết duy trì sự ổn định. Ông đã tinh giản đáng kể bộ máy hành chính và nắm quyền kiểm soát toàn bộ các quyết định chi tiêu quan trọng, thay vì để các Giám đốc bộ phận tự quyết như trước đây.

“Chúng tôi cần có cái nhìn khách quan về các lĩnh vực kinh doanh và đảm bảo rằng vốn được phân bổ vào những cơ hội có khả năng phát triển nhất. Điều này nên được quyết định bởi các CEO và CFO”, ông nói với Financial Times.

Nhờ kỷ luật tài chính mới, Shell đã liên tục mua lại hơn 3 tỷ USD cổ phiếu mỗi quý trong suốt 13 quý liên tiếp. Tuần này, CEO Wael Sawan khẳng định công ty có thể duy trì sự ổn định này và tăng tỷ lệ chi trả cho cổ đông ngay cả khi giá dầu giảm xuống dưới mức 70 USD/thùng hiện nay. Ông cho biết điểm hòa vốn cổ tức của Shell chỉ ở mức 40 USD/thùng.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, các nhà đầu tư vẫn chuộng các công ty dầu khí Mỹ hơn. Giá trị thị trường của Shell chỉ gấp 5 lần dòng tiền sau điều chỉnh nợ, trong khi con số này của ExxonMobil là 9,2 lần và Chevron là 9,6 lần.

Vấn đề không chỉ riêng Shell mà là câu chuyện chung của tất cả các công ty năng lượng châu Âu. Dù tạo ra dòng tiền tự do trên mỗi cổ phiếu cao hơn các đối thủ Mỹ trong 5 năm qua, họ vẫn chưa giành được lòng tin của nhà đầu tư về khả năng sử dụng dòng tiền một cách hiệu quả.

Vì sao các công ty năng lượng châu Âu bị định giá thấp hơn?

Có một số lý do khiến các công ty châu Âu bị định giá thấp hơn so với các đối thủ Mỹ: Lo ngại rằng họ sẽ “lãng phí vốn” vào những dự án năng lượng sạch kém hiệu quả, không có quyền tiếp cận các mỏ dầu có biên lợi nhuận cao tại Mỹ và dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường châu Âu thấp hơn đáng kể so với Mỹ.

Ngoài ra, các công ty Mỹ còn hoàn lại nhiều tiền hơn cho cổ đông so với Shell. Năm ngoái, Exxon đã dành tới 65% dòng tiền hoạt động để chi trả cổ tức và mua lại cổ phiếu. Exxon có thể làm được điều này một phần vì họ có mức giá hòa vốn thấp hơn Shell. Theo dự báo của hai công ty, Exxon đặt mục tiêu hòa vốn ở mức 30 USD/thùng vào năm 2030, trong khi con số của Shell là 35 USD/thùng.

Khi được hỏi liệu Shell có thể đạt mức hoàn vốn cho cổ đông như Exxon hay không, ông Sawan cho biết công ty “không chỉ tập trung vào một khía cạnh tài chính” mà muốn cân bằng giữa lợi nhuận cho cổ đông, đầu tư tăng trưởng và duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh.

Thay vào đó, ông Sawan đang tìm cách trả lời câu hỏi lớn từ nhà đầu tư: Điều gì khiến Shell khác biệt so với các đối thủ Mỹ, và công ty sẽ ra sao trong dài hạn khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đạt đỉnh và suy giảm?

“Câu hỏi về sự bền vững luôn là một vấn đề lớn”, ông nói với các nhà phân tích hôm thứ Ba 25/3. "Sau cuộc họp này, tầm nhìn của Shell sẽ không chỉ dừng lại ở năm 2028 mà còn đến tận năm 2040. Chúng tôi chơi cuộc chơi dài hạn, không chạy theo những cú hích ngắn hạn để đẩy giá cổ phiếu", ông khẳng định.

Câu trả lời của ông Wael Sawan - cũng là yếu tố khiến Shell khác biệt so với các đối thủ tập trung vào dầu mỏ ở Mỹ - là công ty tin rằng khí đốt sẽ là khoản đầu tư dài hạn tốt hơn. Shell dự báo nhu cầu khí đốt sẽ tăng 60% vào năm 2040, khi các nền kinh tế châu Á đang phát triển nhanh bắt đầu tiêu thụ năng lượng nhiều hơn.

Là nhà kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, Shell cho biết họ sẽ tăng doanh số bán LNG thêm 4-5% mỗi năm đến năm 2030. “Trụ cột số một trong tầm nhìn của chúng tôi là trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thế giới về khí đốt tích hợp và LNG. Chúng tôi có lợi thế cạnh tranh thực sự mà rất khó để ai đó có thể bắt chước”, ông Sawan nói.

Một điểm khác biệt nữa giữa Shell và các công ty Mỹ là mảng giao dịch năng lượng. Ông Sawan tiết lộ rằng các nhà giao dịch của Shell chưa từng thua lỗ trong bất kỳ quý nào suốt 10 năm qua, đạt mức lợi nhuận trung bình trên vốn sử dụng là 2% và có thể tăng lên 4% trong thời gian tới.

Theo Martijn Rats, nhà phân tích tại Morgan Stanley, tính toán sơ bộ cho thấy mảng giao dịch có thể chiếm hơn 25% tổng lợi nhuận tương lai của Shell, khiến nó trở thành một trong những mảng kinh doanh lớn nhất của công ty.

Dù cắt giảm chi tiêu vốn để tập trung mua lại cổ phiếu, Shell vẫn có thể đưa một triệu thùng dầu khí mỗi ngày vào khai thác trong 5 năm tới, với mức giá hòa vốn 35 USD/thùng. Điều này giúp công ty giữ sản lượng tổng thể ổn định ngay cả khi một số mỏ dầu cũ bị ngừng hoạt động. Ông Sawan cam kết sẽ duy trì sự ổn định: "Chúng tôi sẽ làm việc cật lực để đảm bảo thực hiện đúng những gì đã cam kết”.

Dù giới phân tích đánh giá cao chiến lược của Shell, không nhiều người tin rằng công ty có thể hoàn toàn thu hẹp khoảng cách với ExxonMobil hay Chevron.

“Tôi không nghĩ Shell có thể giao dịch ngang hàng với Exxon. Về cơ bản, Exxon đã chứng tỏ khả năng quản lý vốn tốt hơn trong dài hạn”, ông Biraj Borkhataria từ RBC Capital Markets nhận xét. “Dưới thời ông Wael Sawan, mức chênh lệch định giá giữa Shell và Exxon đã giảm từ 45% xuống còn 35%. Liệu khoảng cách này có thể thu hẹp xuống còn 20% không? Tôi nghĩ là có thể”.

Khả năng chuyển niêm yết sang sàn New York hiện không còn là chủ đề được thảo luận, do hầu hết nhà đầu tư đều nhận thấy rằng họ đã có thể dễ dàng tiếp cận cổ phiếu Shell nếu muốn.

"Cổ phiếu của Shell chắc chắn sẽ được định giá lại, nhưng không phải ngay lập tức", Irene Himona, trưởng bộ phận dầu khí châu Âu tại Bernstein, cho biết.

Nh.Thạch

Financial Times

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/shell-va-bai-toan-thu-hep-khoang-cach-voi-cac-doi-thu-my-725668.html