Shopee giảm một số loại phí trong kỳ điều chỉnh mới

Từ ngày 1-6 tới đây, Shopee sẽ áp dụng mức phí cố định mới cho các nhà bán hàng, trong đó một số ngành hàng thiết yếu sẽ được điều chỉnh giảm.

Nền tảng thương mại điện tử Shopee vừa công bố điều chỉnh lại một số phí và gói hỗ trợ từ ngày 1-6-2025, mức phí sẽ tùy theo nhóm ngành hàng và phân loại ngành hàng. Đây là kỳ điều chỉnh lần thứ 2, từ đầu năm tới nay của nền tảng này.

Giảm phí cho ngành hàng thiết yếu

Nói với PLO, đại diện Shopee cho biết, khi xây dựng chính sách, nền tảng này luôn nỗ lực cân bằng giữa hiệu quả vận hành và lợi ích của người bán hàng một cách hài hòa.

“Mỗi điều chỉnh về phí đều được xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở lắng nghe nhu cầu từ thị trường cũng như bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại”- đại diện Shopee nhấn mạnh.

Theo đó, với lần điều chỉnh mới tới đây của Shopee, mức phí cố định sẽ có điều chỉnh giảm ở một số ngành hàng thiết yếu và giữ nguyên cho nhiều ngành hàng chủ lực

Cụ thể, Shopee điều chỉnh giảm phí cố định tới 1% cho một số ngành hàng thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu như thực phẩm và đồ uống, mẹ - bé và nhà cửa - đời sống, áp dụng từ ngày 1-6-2025 (đối với Người bán không thuộc Mall) và 6-6-2025 (đối với Người bán thuộc Mall).

Dữ liệu nội bộ của Shopee cho biết, chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024, lượng đơn hàng thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu như Tiêu dùng nhanh (FMCG) và thực phẩm tăng hơn 50% so với cùng kỳ, với phần lớn tăng trưởng đến từ các nhà bán hàng địa phương.

Tương tự, báo cáo từ Metric về tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam năm 2024 cũng chỉ rõ ngành hàng Bách hóa - thực phẩm đang dẫn đầu tăng trưởng ở mức 76.3%, nhờ xu hướng tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, kết hợp với sự tiện lợi của mua sắm trực tuyến. Báo cáo này cũng dự đoán trong năm 2025, người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng ưu tiên mua sắm sản phẩm như thực phẩm, đồ uống, và các sản phẩm dành cho trẻ như tã bỉm, sữa... Tương tự, báo cáo từ Younet ECI cũng nêu rõ ngành hàng FMCG đã vươn lên chiếm vị trí thứ 2 về độ quan trọng trong giỏ hàng online của người tiêu dùng trong năm 2024, và sẽ tiếp tục là trái tim của thương mại điện tử (TMĐT) trong năm 2025.

“Chính vì thế, Shopee hi vọng, với sự thay đổi này sẽ giúp người bán kinh doanh ngành hàng thiết yếu vận hành tốt hơn trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động như hiện nay, đồng thời tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận đa dạng sản phẩm thiết yếu với mức giá tốt”- Shopee bày tỏ.

 Các ngành hàng có mức phí cố định điều chỉnh giảm từ sau ngày 1-6-2025.

Các ngành hàng có mức phí cố định điều chỉnh giảm từ sau ngày 1-6-2025.

Shopee cũng quyết định giữ nguyên mức phí cố định như cũ cho nhiều ngành hàng chủ lực nằm trong nhóm ngành hàng Điện tử, Nhà cửa – đời sống… Trong khi đó, các ngành hàng còn lại như Sức khỏe, sắc đẹp, chăm sóc thú cưng… sẽ có mức phí cố định tăng từ 0.4% - 2%.

Tăng cường các chương trình hỗ trợ nhà bán hàng

Ngoài việc điều chỉnh các chi phí bán hàng, đại diện Shopee cho biết sẽ tiếp tục duy trì chương trình ưu đãi cho nhà bán hàng xuyên suốt các chiến dịch mua sắm trọng điểm trong năm, tạo trợ lực để shop vận hành ổn định, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh và nâng cao tính cạnh tranh.

Trong đó, Shopee sẽ duy trì miễn phí vận chuyển lên đến 500.000 đồng và voucher giảm giá từ 8-12%. Ngoài ra, từ ngày 01-06, sàn sẽ giảm mức phí tham gia Gói Voucher Xtra từ 3% xuống còn 2% trên mỗi sản phẩm, để chia sẽ phần nào chi phí kinh doanh cho nhà bán hàng.

Đáng chú ý, từ 17-05 đến 31-05, sàn triển khai chương trình dùng thử miễn phí Gói Voucher Xtra, giúp người bán tiếp cận tốt hơn với người mua thông qua các mã giảm giá, hỗ trợ gia tăng sức hút đối với sản phẩm và nâng cao tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng.

Cùng với đó, đại diện Shopee cho hay, sẽ tiếp tục đầu tư cho các chương trình hỗ trợ dài hạn dành riêng cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt chú trọng vào nhóm MSME. Cụ thể, chương trình “Shopee tiếp sức doanh nghiệp Việt” sẽ tiếp tục được duy trì, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh kết nối với sàn thông qua các khóa đào tạo bán hàng, từ đó tăng độ nhận diện và doanh thu cho doanh nghiệp trên sàn. Shopee đặt mục tiêu, đến năm 2026, dự án sẽ hỗ trợ các nhà bán của tỉnh tăng gấp đôi doanh thu.

Ngoài ra, các chương trình như “Shopee Tinh Hoa Việt Chung Sức 2025”, sẽ tiếp tục khởi chạy với mục tiêu quảng bá nông đặc sản vùng miền, giới thiệu thêm nhiều thương hiệu “made in Vietnam”

Kết quả ban đầu cho thấy, ngay trong tập phát sóng đầu tiên vào ngày 15-4 vừa qua, livestream đã ghi nhận tổng cộng 3.2 triệu lượt xem, 5.4 triệu lượt tương tác, giúp nhà bán hàng tăng gấp 4 lần doanh thu so với trung bình ngày thường”- Shopee thông tin.

Bên cạnh đó, dự án livestream mới “Ngon Nhức Snack” với mục tiêu tập trung quảng bá thực phẩm, đồ ăn vặt nổi bật đến từ nhà bán hàng địa phương cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Theo đó, sau 11 phiên live, chương trình đã thu về 1,8 triệu lượt xem trên Shopee Live cùng các nền tảng mạng xã hội. Trung bình mỗi phiên livestream, chương trình quảng bá 500 sản phẩm của hơn 100 nhà bán hàng địa phương đến đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, giúp nhà bán hàng ghi nhận số lượng đơn bán ra tăng 119% so với trung bình ngày thường.

Ở cấp độ khu vực, Shopee hiện là đối tác chiến lược của sự kiện thường niên Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN (ASEAN Online Sale Day) – sáng kiến do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam khởi xướng và dẫn dắt. Đồng thời, chương trình Bán hàng toàn cầu (SIP) do Shopee vận hành từ năm 2021 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt. Đến nay, đã có hơn 350.000 nhà bán hàng Việt tham gia SIP, với hơn 15 triệu sản phẩm được phân phối ra thị trường khu vực.

HẠ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/shopee-giam-mot-so-loai-phi-trong-ky-dieu-chinh-moi-post848355.html