Showbiz Việt: Khi nào 'phong sát' đối với nghệ sĩ scandal?
Nhiều người mong rằng, nhà quản lý cần tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử đủ mạnh tay như nước bạn để áp dụng với các trường hợp nghệ sĩ bê bối gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, đạo đức.
Thời gian qua, giới nghệ sĩ xảy ra nhiều bất ổn trong văn hóa ứng xử khiến dư luận bức xúc. Đó có thể là lối chửi tục trên mạng, hay nói kiểu giang hồ hoặc có dấu hiệu làm từ thiện thiếu minh bạch, bê bối tình cảm đời tư...
Đối diện với vấn đề đó, từ cuối tháng 6 vừa qua, Bộ VHTT&DL đã hoàn thiện dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” và có văn bản gửi các cơ quan chức năng và 6 đơn vị trực thuộc Bộ gồm: Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để để nghị tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo. Cuộc họp mới đây nhất về việc soạn thảo này vừa diễn ra ngày 1/9 vừa qua.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phụ trách khối nghệ thuật Tạ Quang Đông cho biết: “Nó là một cái khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau để các “sao” cũng phải nhìn vào đấy, nhìn lại mình”. Và dựa trên bộ quy tắc này, các bộ, ban, ngành sẽ có các quy tắc riêng, ban hành các định chế riêng của từng hội. Lúc đó, nghệ sĩ ở trong hội mới áp dụng.
Theo ông Đông, bản thân “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” không có quy định về việc xử phạt như cấm sóng, cấm diễn với các nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa hay vi phạm pháp luật. Và quy chế này dành cho cả các nghệ sĩ tự do, không thuộc các nhà hát của nhà nước.
Được biết, dự thảo “Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ” được áp dụng với các hành vi ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông và cả trên mạng xã hội cùng hoạt động cộng đồng khác. Nội dung bộ quy tắc sẽ bao gồm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng; Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khán giả cho rằng, việc không có chế tài, quy định xử phạt sẽ khiến bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ mà Bộ VHTT&DL đang xây dựng không có nhiều tác dụng bởi không có tính răn đe. Trong khi thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, rất cần một thiết chế đủ mạnh để xử lý nghiêm các nghệ sĩ bê bối.
Như trường hợp ồn ào mới đây của ca sĩ Jack. Khán giả đã chỉ trích, phản đối lối sống không lành mạnh, coi thường phụ nữ của Jack và lên tiếng tẩy chay, đòi nhà sản xuất chương trình loại ca sĩ Jack. Họ cho rằng những nghệ sĩ bị scandal như Jack cần bị cấm sóng như cách mà làng giải trí Trung Quốc hay Hàn Quốc đang áp dụng.
Song, cho đến hiện tại thì Jack hay nhiều trường hợp scandal tương tự trước đó đều không bị ảnh hưởng gì nhiều đến sự nghiệp. Có chăng, họ tự tuyên bố giải nghệ sau những ồn ào chứ không bị một chế tài hay quy định phạt nào từ cơ quan quản lý.
Nhiều người cho rằng, đã đến lúc nhà quản lý cần tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử đủ mạnh tay như nước bạn để áp dụng cho nhiều trường hợp nghệ sĩ scandal gây ảnh hưởng xấu đến lối sống, đạo đức trong giới trẻ. Nếu không, nhiều trường hợp xấu xí như thế sẽ còn xuất hiện vì họ không biết sợ!
Nhiều ngôi sao Hoa ngữ bị phong sát
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là 2021, làng giải trí Hoa ngữ đã xảy ra một cuộc phong sát lớn với nhiều tên tuổi đình đám gây chấn động Trung Quốc. Đó là việc Trịnh Sảng “thân bại danh liệt” với lùm xùm bỏ rơi hai con khi nhờ người mang thai hộ hay nam idol Ngô Diệc Phàm, diễn viên Triệu Vy là những nghệ sĩ tiếp theo nhận án phạt phong sát tại đất nước tỷ dân.