SHS tâm sự sau nhịp sập thị trường: Bắt đáy VN30, không chạy theo 'zero fee'
Tại ĐHĐCĐ 2025 chiều 10/4, lãnh đạo SHS chia sẻ chiến lược đầu tư dài hạn và tiết lộ đã 'bắt đáy' cổ phiếu FPT ở vùng giá sàn. Công ty đặt mục tiêu lấy dịch vụ làm lõi, đẩy mạnh công nghệ và tận dụng hệ sinh thái SHB để gia tăng giá trị bền vững.

Phần hỏi đáp chứng kiến sự trao đổi thẳng thắn giữa cổ đông và ban lãnh đạo SHS. Ảnh: SHS
SHS tiết lộ chiến lược "bắt đáy" sau cú sập thị trường
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chiều 10/4, câu chuyện về chiến lược đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán vừa trải qua đợt điều chỉnh sâu thu hút sự quan tâm đặc biệt của cổ đông.
Một cổ đông thẳng thắn đặt câu hỏi với ban lãnh đạo SHS: "Vừa rồi chúng ta trải qua một đợt sụt giảm rất mạnh, xin hỏi đội tự doanh SHS hành động như thế nào để nhà đầu tư có thể học hỏi?"
Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SHS cho biết, chiến lược đầu tư của đội tự doanh SHS có một số điểm khác biệt cơ bản so với nhà đầu tư cá nhân.
"Thứ nhất, tự doanh SHS không sử dụng margin. Thứ hai, cách giải ngân và quy mô đầu tư của chúng tôi cũng khác. Với quan điểm đầu tư dài hạn, SHS coi những nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường như vừa qua là cơ hội để tích lũy cổ phiếu," ông Thành chia sẻ.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư lâu năm, ông Thành đưa ra lời khuyên dành cho nhà đầu tư cá nhân: "Mỗi người cần kiểm soát tỷ trọng đầu tư một cách hợp lý, tránh dồn quá nhiều vào một nhóm ngành hay mã cổ phiếu. Việc phân bổ danh mục đa dạng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, nếu có kỹ thuật và công cụ phù hợp, nhà đầu tư cũng có thể xem xét chiến lược short (bán trước mua sau) trong những nhịp giảm để cân bằng rủi ro danh mục."
Trước câu hỏi từ cổ đông về danh mục cổ phiếu mà SHS đã "bắt đáy" trong giai đoạn thị trường giảm mạnh, ông Thành không chia sẻ cụ thể nhưng cũng bật mí rằng công ty tập trung vào các cổ phiếu trong rổ VN30 có mức chiết khấu đủ hấp dẫn. Đồng thời, SHS chủ động né các nhóm ngành có thể chịu tác động bất lợi từ chính sách thuế quan như xuất khẩu và bất động sản khu công nghiệp.

Chúng tôi chủ yếu mua vào các doanh nghiệp thuộc rổ VN30, có mức chiết khấu đủ hấp dẫn. Những cổ phiếu phục hồi tốt nhất sau mỗi nhịp giảm đều nằm trong nhóm này. Một cổ phiếu tiêu biểu được SHS bắt đáy gần đây là FPT, ở mức giá sàn 97.000 đồng/cp, giảm 30% so với đỉnh. Ngay hôm kia, chúng tôi đã công bố báo cáo phân tích doanh nghiệp và khuyến nghị mua FPT. Tôi rất tự tin vào đánh giá của SHS với các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này. Tổng giám đốc SHS Nguyễn Trí Thành
Khai phá thêm tệp khách hàng từ SHB
Không dừng lại ở hoạt động tự doanh, nhiều cổ đông cũng quan tâm đến định hướng lâu dài của SHS, đặc biệt là mảng dịch vụ và công nghệ. Một cổ đông nêu vấn đề: “Công ty từng đưa ra dự báo khá sát về mức điều chỉnh giảm 15%. Tôi đã bán trước nhịp sập nhưng chưa kịp vào lại. Tuy nhiên, tôi nhận thấy phần phân tích và tư vấn đầu tư của SHS trước đây chưa thực sự thu hút để tạo nguồn thu ổn định từ dịch vụ. Công ty sẽ cải thiện ra sao?"
Cổ đông này cũng đặt thêm câu hỏi về việc SHS có tận dụng được mối quan hệ với SHB nhưng vẫn kiểm soát tốt rủi ro không?
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT SHS Đỗ Quang Vinh khẳng định năm nay công ty không mở rộng mảng tự doanh mà chuyển hướng tăng tỷ trọng vào dịch vụ đầu tư và tư vấn tài sản - hai mảng được xác định là trọng tâm cạnh tranh.
"Từ năm nay, SHS tập trung lấy dịch vụ làm lõi. Mỗi khách hàng sẽ có gói tư vấn riêng phù hợp với nhu cầu và khẩu vị rủi ro cụ thể," ông Vinh nói và thông tin thêm, SHS đã có những bước thay đổi quan trọng về mặt cơ cấu tổ chức, bao gồm việc bổ sung thêm một chuyên gia phân tích và nhân sự cấp cao cho mảng tài chính và công nghệ thông tin (IT), nhằm phân tán rủi ro, tránh tập trung quá nhiều vào mảng tự doanh. Đồng thời, công ty cũng đang tích cực tìm kiếm thêm nhân sự cho ban tổng giám đốc để hỗ trợ triển khai định hướng chiến lược mới, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.

Năm nay, SHS xác định công nghệ là một trong những ưu tiên đầu tư hàng đầu, bao gồm cả kênh online lẫn truyền thống. Ứng dụng giao dịch của SHS đã được cải thiện đáng kể, với mục tiêu cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường và tận dụng sức mạnh hệ sinh thái để tạo ra một nền tảng liên thông thuận lợi nhất cho khách hàng. Chủ tịch SHS Đỗ Quang Vinh
Tiếp thêm lời ông Vinh, Tổng giám đốc SHS Nguyễn Trí Thành nhấn mạnh lại định hướng chiến lược xuyên suốt của công ty là tập trung vào dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, thay vì mở rộng mảng tự doanh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Suy cho cùng, điều nhà đầu tư cần là lợi nhuận mang về nhà. SHS chọn đi con đường dài hơi, đặt chất lượng dịch vụ lên trên hết, thay vì chạy theo cuộc đua chi phí thấp như xu hướng 'zero fee' (giảm phí giao dịch) đang diễn ra khắp thị trường," ông Thành nói.
Ông chia sẻ thêm, trong năm vừa qua SHS đã tuyển dụng thêm nhiều nhân sự mới, đặc biệt là cho khối phân tích và dịch vụ tư vấn - nhằm từng bước xây dựng dấu ấn thương hiệu dịch vụ (service branding) rõ nét trên thị trường.
"Chúng tôi không chạy theo xu hướng cạnh tranh bằng phí, bởi cuối cùng, nếu chỉ cạnh tranh bằng giá thì sẽ không còn gì để tạo ra giá trị bền vững. SHS muốn xây dựng một hệ sinh thái tư vấn bài bản, hỗ trợ khách hàng giao dịch hiệu quả trên tất cả các tài sản hợp pháp có mặt trên thị trường," ông Thành chia sẻ với cổ đông.
Trong phần chia sẻ về chiến lược phát triển hệ sinh thái, Chủ tịch HĐQT SHS Đỗ Quang Vinh cho biết công ty đang có sự hợp tác toàn diện với ngân hàng SHB, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ở công nghệ và phát triển khách hàng. Mục tiêu là tận dụng tốt tệp khách hàng hiện hữu của SHB để làm giàu thêm cho SHS, tạo nên một vòng tròn liên kết bền vững giữa ngân hàng và công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, lãnh đạo SHS cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Hiện việc kết nối công nghệ giữa SHS và SHB vẫn chưa được thực hiện một cách hoàn thiện, do SHB đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, khách hàng của hai bên có thể sử dụng một tài khoản tích hợp và tận hưởng sự liên kết trọn vẹn giữa ngân hàng và chứng khoán".
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Trí Thành, SHS và SHB đang hỗ trợ lẫn nhau chặt chẽ. "Trong năm qua, chúng tôi chưa dám khai thác trực tiếp tệp khách hàng từ SHB, nhưng từ năm nay sẽ bắt đầu khai phá mạnh hơn. Ngoài ra, SHS muốn mở rộng khả năng giao dịch của nhà đầu tư, không chỉ với cổ phiếu mà cả với trái phiếu, tài sản số hay tín chỉ carbon - tất cả đều nằm trong chiến lược dài hạn", ông Thành nói.