Sĩ quan quân đội Đức ám sát hụt trùm phát xít Hitler
Vào ngày 20/7/1944, một sĩ quan 36 tuổi của quân đội Đức, Đại tá Claus Schenk Graf von Stauffenberg, đến một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt ẩn trong một khu rừng ở Đông Phổ. Nhiệm vụ của người này là giết Adolf Hitler.
Vào ngày 20/7/1944, một sĩ quan 36 tuổi của quân đội Đức, Đại tá Claus Schenk Graf von Stauffenberg, đến một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt ẩn trong một khu rừng ở Đông Phổ. Nhiệm vụ của người này là giết Adolf Hitler.
Stauffenberg và các con. Ảnh: AP
Theo đài BBC, Wolfsschanze là trụ sở bí mật của Hitler ở Mặt trận phía Đông. Stauffenberg đang tham dự cuộc họp giao ban hàng ngày giữa Hitler và bộ chỉ huy cấp cao của Đức, nhưng trong chiếc cặp của mình, ông mang theo một quả bom.
Sĩ quan quân đội Đức, Tướng Walter Warlimont kể lại trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm 1967: “Chúng tôi đang đứng xung quanh và Hitler bước vào, sau đó hội nghị bắt đầu. Đột nhiên cánh cửa mở ra một lần nữa và tôi tình cờ quay lại, tôi thấy một đại tá bước vào... ông ấy đã gây ấn tượng rất sâu sắc với tôi vì mắt phải ông ấy bị một miếng vải đen che và một cánh tay bị cụt. Ông ấy đứng đó, tư thế khá thẳng. Tôi thấy ông ấy dường như là hình ảnh của một người lính điển hình. Hitler quay lại nhìn ông ấy một cách lạnh lùng và Tướng Keitel đã giới thiệu ông ấy”.
Stauffenberg là một sĩ quan quân đội có xuất thân quý tộc, là người Công giáo. Con trai ông, Berthold Schenk Graf von Stauffenberg, hiện nay 80 tuổi, cho biết: “Mọi người nói rằng cha tôi cực kỳ đẹp trai - tóc đen, mắt xanh, tóc hơi gợn sóng, cao. Ông ấy là một người đàn ông rất vui vẻ, hay cười và chúng tôi nghĩ ông ấy là người hoàn toàn tuyệt vời”.
Năm 1943, Stauffenberg bị thương nặng khi phục vụ ở chiến trường Tunisia. Ông mất một mắt, bàn tay phải và hai ngón tay của bàn tay trái. Ông Berthold cho biết: “Những vết thương rất phổ biến vào thời điểm đó và mất một cánh tay, mất một mắt là điều hoàn toàn bình thường”.
Mặc dù không công khai tư tưởng chính trị, nhưng Stauffenberg là một người bảo thủ và theo chủ nghĩa dân tộc. Đôi khi ông ủng hộ các chính sách của Đức Quốc xã, nhưng khi chiến tranh leo thang, ông ngày càng phản đối chế độ. Ông kinh hoàng trước những hành động tàn bạo của Đức ở phía đông và nhận ra rằng nước Đức đang thua trong cuộc chiến.
Ông Berthold nói về cha mình: “Ông ấy không hài lòng với khả năng chiến lược của Hitler và Hitler là một kiểu người khác với những gì chúng tôi nghĩ là có thể chấp nhận được. Tôi lúc đó là một cậu bé 10 tuổi, rất quan tâm đến những gì đang diễn ra trên thế giới. Tôi chuẩn bị trở thành một tên quốc xã nhỏ bé, giống như tất cả chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ thảo luận điều đó với cha hoặc mẹ tôi. Nếu ông ấy đã thảo luận chính trị với chúng tôi, ông ấy không thể thể hiện cảm xúc thực sự của mình vì điều đó sẽ quá nguy hiểm”.
Khi Stauffenberg vừa hồi phục vết thương, một nhóm người đã tiếp cận ông. Đây là nhóm do Tướng Henning von Tresckow cầm đầu, có mục tiêu ám sát Hitler, lật đổ chế độ Đức Quốc xã. Stauffenberg trở thành một thành viên hàng đầu trong âm mưu này.
Trong những tháng sau đó, nhóm có một số nỗ lực giết Hitler nhưng không thành công và ngày càng có nhiều lo ngại rằng cảnh sát mật đang truy sát nhóm.
Nhưng vào năm 1944, Stauffenberg trở thành Tham mưu trưởng lực lượng Quân dự bị của Đức. Vị trí này cho phép ông tiếp cận với Hitler và tạo cơ hội thực hiện vụ ám sát.
Kế hoạch của nhóm trên có nhiều rủi ro. Stauffenberg sẽ mang theo chất nổ trong chiếc cặp của mình, vượt qua các cuộc kiểm tra an ninh xung quanh Wolfsschanze, chuẩn bị quả bom sẵn sàng và đặt chiếc cặp gần Hitler trong cuộc họp giao ban hàng ngày. Sau đó ông sẽ viện lý do và rời khỏi phòng. Sau vụ nổ, Stauffenberg sẽ quay trở lại Berlin, nơi nhóm của ông sẽ dùng lực lượng Quân dự bị để kiểm soát thủ đô.
Ông Berthold kể: “Họ không chắc mình sẽ thành công nhưng Tresckow nói rằng cuộc tấn công nhắm vào Hitler sẽ phải tiếp tục, dù là chỉ để chứng minh rằng không phải tất cả người Đức đều là tín đồ của hắn”.
Nhưng nếu âm mưu thất bại, không chỉ những người chủ mưu sẽ gặp rủi ro. Vợ Stauffenberg biết về kế hoạch ám sát. Bà đã phát hiện ra và chất vấn chồng, rồi ông đã kể. Nhưng bà không biết rằng chồng mình sắp đặt bom.
Theo ông Berthold, bố mẹ ông biết hậu quả, nhưng trong thời chiến tranh, tính mạng không quan trọng như trong môi trường thời bình – thời mà hy sinh bản thân là một điều to lớn, nhưng trong thời chiến thì khác.
Vào ngày 20/7, Stauffenberg đến Wolfsschanze. Cuộc họp giao ban được ấn định vào 12 giờ 30, nhưng ông đã bị gián đoạn khi cố gắng thiết lập quả bom, vì vậy ông chỉ đặt một trong hai thiết bị nổ vào cặp trước khi bước vào cuộc họp.
Ông Warlimont nói vào năm 1967: “Tôi nhớ rằng Stauffenberg có một chiếc cặp to màu đen mà cánh tay còn nguyên vẹn cầm theo. Nhưng tôi không nhìn thấy ông đặt cặp dưới bàn hay rời phòng ngay sau đó. Khoảng 5 đến 10 phút trôi qua, tôi đã quên mất ông ấy khi vụ nổ xảy ra”.
Stauffenberg nhìn thấy vụ nổ khi rời khu nhà để quay trở lại Berlin. Ông chắc chắn rằng Hitler đã chết.
Nhưng ngay trước khi vụ nổ xảy ra, chiếc cặp của Stauffenberg đã được chuyển ra sau chân bàn cách xa Hitler. Quả bom không có sức công phá như dự định. Khi Hitler đang nghiêng người trên chiếc bàn dày bằng gỗ sồi để nhìn vào bản đồ thì quả bom nổ tung và chiếc bàn đã che chắn cho hắn trước vụ nổ. Bốn người chết trong vụ nổ và nhiều người bị thương, nhưng Hitler vẫn sống sót.
Warlimont nhớ lại: “Khi quả bom nổ, tôi chỉ có cảm giác như có một chiếc đèn chùm lớn đã rơi xuống đầu tôi. Tôi đi xuống. Tôi thấy Hitler được dẫn ra khỏi phòng, được Keitel dìu và ấn tượng đầu tiên của tôi là ông ta không bị thương chút nào hay ít nhất là không bị thương nặng”.
Vài giờ sau, rõ ràng là Hitler vẫn còn sống, nỗ lực chiếm Berlin đã thất bại. Stauffenberg và những người âm mưu vụ nổ bị bắt tại Văn phòng Chiến tranh ở Berlin và bị xử bắn.
Vào thời điểm đó, Nina - người vợ đang mang thai của Stauffenberg - và bốn đứa con đang ở tại khu nhà của gia đình ở vùng đồi Swabia. Lúc đó, ông Berthold không biết chuyện gì đang xảy ra.
Ông kể lại: “Tôi đã nghe các thông tin trên đài phát thanh, nói rằng đã có người tìm cách giết Hitler và nghe thấy điều gì đó về một nhóm nhỏ các sĩ quan tội phạm. Tôi 10 tuổi và tôi đọc báo mỗi ngày, tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Những người lớn đã cố gắng làm cho tôi tránh xa đài phát thanh. Tôi và anh trai đã được đưa đi dạo cùng người chú là Bá tước Uxkull”.
Tới hôm sau, bà Nina đã nói với Berthold rằng chính cha cậu bé là người đã đặt bom. Berthold hỏi: “Làm thế nào, cha có thể làm được không?”. Mẹ Berthold trả lời: “Cha con tin rằng ông ấy phải làm điều này cho nước Đức”.
Stauffenberg năm 1926. Ảnh: Bild
Sau này, ông Berthold nói: “Đó là một cú sốc hoàn toàn, tôi không thể tin được. Một cuộc tấn công vào Quốc trưởng! Chúng tôi được nuôi dưỡng ở trường học và mọi nơi khác để tin rằng Quốc trưởng là một người đàn ông tuyệt vời”.
Đêm đó cảnh sát mật ập đến. Mẹ, bà và chú ruột của Berthold nằm trong số những người bị bắt. Berthold và anh chị em được gửi đến một nhà trẻ.
Sau đó, anh em nhà Berthold có tên mới. Có giả thuyết cho rằng đây là tên của những gia đình mà bọn trẻ sẽ được nhận nuôi sau chiến tranh, có lẽ là các gia đình thuộc lực lượng cận vệ.
Sau đó, hàng nghìn người đã bị bắt và hành quyết vì bị cáo buộc có liên quan đến cuộc phản kháng. Mẹ của Berthold bị đưa đến nhà tù của cảnh sát mật tại trại tập trung Ravensbruck. Bà được đoàn tụ với các con sau chiến tranh và bà không bao giờ tái hôn. Đối bà, đã có Stauffenberg và chỉ cần ông. Ông là người đàn ông của cuộc đời bà.
Ông Berthold sau này trở thành một vị tướng trong quân đội Tây Đức. Ông vẫn sống ở quê nhà. Ông nói: “Đối với tôi, chắc chắn rằng âm mưu đó đã cứu vãn một chút danh dự cho nước Đức”.