Sĩ tử rơi vào cảm xúc tiêu cực vì áp lực phải đỗ

Các sĩ tử đang tích cực ôn luyện từ sáng đến khuya những ngày cuối cùng. Đây là thời gian 'vàng' để 'chạy nước rút' nhưng không tránh khỏi những áp lực, căng thẳng và lo âu.

Chủ nhật, Dương Vũ Thiên Phú, học sinh lớp 9/2, trường THCS Nguyễn Du (Huế), vẫn bận rộn với việc học. Việc ôn thi 3 môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn chiếm gần hết thời gian.

Cận kề kỳ thi vào lớp 10, Thiên Phú gần như dành cả tuần để ôn thi với lịch học dày đặc, chỉ có ngày thứ sáu để nghỉ ngơi.

 Thiên Phú chỉ có ngày thứ sáu để nghỉ ngơi giữa lịch ôn thi dày đặc. Ảnh: NVCC.

Thiên Phú chỉ có ngày thứ sáu để nghỉ ngơi giữa lịch ôn thi dày đặc. Ảnh: NVCC.

Áp lực tâm lý

Chia sẻ với Zing, Thiên Phú cho biết không chỉ mệt mỏi vì ôn thi cường độ cao, cậu còn chịu nhiều áp lực đến từ việc chọn trường vừa sức, bị bố mẹ quản lý chặt chẽ, hạn chế ra ngoài với bạn bè, kiểm soát thời gian học thêm.

Tương tự, Hồ Thị Ngọc Anh lớp 9/1, trường THCS Lý Tự Trọng (Huế) cũng gặp áp lực khi kỳ thi cận kề. Mỗi ngày, Ngọc Anh dành 6-7 tiếng ôn thi.

Nữ sinh cảm thấy rối khi thời gian còn lại rất ít nhưng lượng bài vở quá nhiều. Bạn bè xung quanh mang bài vở ra học mọi lúc mọi nơi cũng khiến Ngọc Anh áp lực, càng dồn sức học.

Cũng đối mặt với kỳ thi quan trọng, học sinh lớp 12 trải qua những ngày lo lắng. Nguyễn Lê Uyên Nhi, học sinh lớp 12B6, trường THPT Nguyễn Huệ (Huế), đặt mục tiêu đạt 26,75 điểm để trúng tuyển chuyên ngành Marketing, ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng. Nữ sinh cảm thấy đây là khoảng thời gian khó khăn nhất.

"Đôi lúc, mình sa vào cảm xúc tiêu cực khi không làm được một số câu Toán, bị điểm thấp môn Tiếng Anh hay không nhớ hết được những luận điểm Văn. Nhiều khi, mình thấy bạn bè thật giỏi còn mình cố gắng đến đâu vẫn chưa đạt kết quả tốt", nữ sinh xứ Huế tâm sự.

Hiện tại, một ngày của Uyên Nhi gần như chỉ xoay quanh việc học. Ban ngày, cô học liên tục, tối đến, Nhi vẫn cặm cụi ôn thi. Khoảng 20h, cô ngồi vào bàn học, chủ yếu tập trung giải đề rồi xem lại các câu, lưu ý lỗi sai. Từ 22h đến 0h, nữ sinh ôn lại kiến thức trên. Những ngày mệt mỏi, cô ngủ sớm hơn.

Tương tự, Lê Thị Thu Hà, học sinh lớp 12XH1, trường THPT Trung Phú (Củ Chi, TP.HCM), vừa ôn thi vừa tìm cách thoát khỏi căng thẳng và cảm xúc tiêu cực. Thu Hà chia sẻ cô cảm thấy áp lực vì điểm số, hoài nghi năng lực bản thân và cả các mối quan hệ xung quanh.

"Mỗi ngày, ngoài thời gian học thêm 3 môn, cả online và offline, mình tự học 6-8 tiếng, chỉ ngủ 6 tiếng và dành khoảng 2 tiếng để giải lao", nữ sinh lớp 12 tâm sự.

Cũng may, cô được gia đình chăm sóc nên đỡ mệt mỏi, áp lực. Thu Hà đặt mục tiêu đạt 26-27 điểm để đỗ vào ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM.

 Uyên Nhi cho rằng đây là khoảng thời gian mệt mỏi và khó khăn, luôn lo lắng và hồi hộp khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Ảnh: NVCC.

Uyên Nhi cho rằng đây là khoảng thời gian mệt mỏi và khó khăn, luôn lo lắng và hồi hộp khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần. Ảnh: NVCC.

Lên sẵn kế hoạch sau thi

Dù áp lực, vì mục tiêu đỗ vào trường mong muốn, các sĩ tử vẫn miệt mài ôn thi từ sáng tới khuya, không dám nghỉ ngơi. Họ cố gắng cân bằng lại cảm xúc, tâm lý để không rơi vào tình trạng tiêu cực. Đương nhiên, việc này không dễ.

Trao đổi với Zing, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Ngữ Văn trường THPT Nguyễn Huệ (Huế), cho rằng rất khó để có câu trả lời chính xác cách giúp học sinh cuối cấp vượt qua áp lực tâm lý trong giai đoạn nước rút. Điều này tùy thuộc vào khả năng, bản lĩnh, ý chí mỗi người.

Cô Hiền chỉ khuyên sĩ tử xây dựng kế hoạch, lộ trình học tập rõ ràng và kiên trì thực hiện theo kế hoạch đó. Theo cô, học sinh nên ôn luyện kiến thức từ sớm thay vì đợi đến sát ngày.

"Kiến thức càng tăng, áp lực càng giảm. Các em cần học tập xen kẽ với nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất, tránh học tập quá sức hay suy nghĩ tiêu cực. Thí sinh hiện nay có rất nhiều nguyện vọng để lựa chọn", cô Thu Hiền chia sẻ.

Ngoài ra, cô gợi ý việc lập nhóm để trao đổi, thảo luận, nhờ thầy cô, anh chị khóa trước hỗ trợ là cách hiệu quả.

Đây cũng là biện pháp Thiên Phú đang áp dụng để vượt qua khủng hoảng tâm lý. Cậu thường xuyên trao đổi với bạn bè trong nhóm.

Trong khi đó, Ngọc Anh và Uyên Nhi chọn cách nghe nhạc hoặc đi ra ngoài giải lao. Uyên Nhi tâm sự những ngày áp lực quá, cô sẽ đi ngủ. Nữ sinh tin tưởng mọi thứ sẽ tốt hơn sau một giấc ngủ.

Tương tự, Thu Hà cũng tìm cách để cân bằng cảm xúc, giữ bình tĩnh khi đứng trước kỳ thi quan trọng. Lúc mệt mỏi, khó chịu, Hà ra ngoài thay đổi không khí, đi bộ, chơi cùng thú cưng, nói chuyện với mọi người.

Ngoài ra, 4 sĩ tử còn lên sẵn kế hoạch sau thi để bản thân có thể tạm nghĩ về những ngày thoát khỏi áp lực. Thiên Phú dự định du lịch với gia đình. Ngọc Anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình, bạn bè với những điều đơn giản như cùng bố mẹ ăn tối, liên hoan với thầy cô, bạn bè.

Uyên Nhi cũng chọn cách du lịch để giải tỏa hết bức bối sau năm học cuối cấp căng thẳng. Bên cạnh đó, nữ sinh muốn làm thêm điều mình thích như học guitar, ngoại ngữ và trở lại ngày tháng "cày phim" trước đây.

Dự định của Thu Hà rất đơn giản. Cô chỉ cần có khoảng thời gian thảnh thơi để gặp bạn bè, ngồi xe buýt quanh thành phố cùng bạn thân, quan tâm nhiều hơn đến gia đình, học các loại chứng chỉ cần thiết khi vào đại học.

Quang Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/si-tu-roi-vao-cam-xuc-tieu-cuc-vi-ap-luc-phai-do-post1321495.html