Siết chặt chi tiêu thời vật giá 'leo thang'
Trong bối cảnh hàng hóa liên tục tăng giá như hiện nay, không chỉ giá thực phẩm tăng mà các hàng hóa tiêu dùng khác cũng trong tình trạng 'leo thang'. Nhiều gia đình phải điều chỉnh lại kế hoạch chi tiêu để bảo đảm cuộc sống.
Dạo một vòng chợ phường 3 (TP.Tân An, tỉnh Long An), chị Lý Thanh Tâm (phường 3) hết ngắm sạp rau này đến sạp rau khác, cầm lên lại đặt xuống. Chị Tâm than thở: “Ngày trước, chỉ cần 200.000 đồng là có thể nấu được bữa ăn. Bây giờ cũng nhiêu đó tiền mà không mua được gì nhiều. Mỗi món tăng giá một ít thì không thấy là bao nhưng đủ bữa cơm cho cả tuần thì các chi phí cộng dồn tăng khá nhiều. Nếu không cân nhắc chi tiêu hợp lý, có khi tiền lương của 2 vợ chồng cũng không đủ trang trải cuộc sống”.

Người dân cân nhắc khi mua sắm tiêu dùng trong thời vật giá “leo thang”
Còn bà Châu Ngọc Hiếu (phường 1, TP.Tân An), vừa làm nội trợ, vừa buôn bán nên mỗi ngày đi chợ đều cân nhắc để cân bằng thu, chi. Theo bà Hiếu, dù chỉ bán đồ ăn sáng với gánh hàng nhỏ nhưng cũng áp lực bởi giá thực phẩm tăng.
“Trước đây, thịt ba rọi khoảng 120.000 đồng/kg nhưng hiện tại tăng 150.000-160.000 đồng/kg. Vì vậy, tôi phải giảm lượng thịt mua, thay thế bằng các thực phẩm khác để bảo đảm bữa ăn gia đình vẫn đủ dinh dưỡng. Tôi cố gắng cắt giảm chi tiêu tối đa, chỉ mua những thứ thật sự cần thiết, tránh mua sắm tùy hứng hoặc những mặt hàng không thiết yếu. Thời buổi nhà nhà thắt chặt chi tiêu nên buôn bán cũng gặp nhiều khó khăn. Khách hàng của tôi chủ yếu là học sinh nên không thể tăng giá mà giữ giá bán như cũ thì cũng rất khó bởi giá nhập nguyên liệu đã tăng hơn trước, nếu giữ nguyên giá thì không có lời, chưa kể tiền gas và các chi phí khác” - bà Hiếu nói.
Việc người dân thắt chặt chi tiêu khi giá cả hàng hóa tăng khiến sức mua giảm. Anh Lê Văn Hải - tiểu thương tại chợ phường 1 (TP.Tân An), than thở: “Hiện tại, tôi bán chậm hơn trước nhiều lắm, giờ vật giá “leo thang”, người dân chi tiêu tiết kiệm hơn”.
Còn bà Trương Thị Tám (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) chia sẻ: “Tôi làm công nhân, thu nhập hàng tháng đủ để trang trải cuộc sống. Vì giá thực phẩm và các mặt hàng sinh hoạt liên tục “leo thang”, tôi thường chọn mua sắm các sản phẩm khi được giảm giá tại các cửa hàng tiện lợi và chỉ mua đủ số lượng cần thiết để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, tôi sử dụng điện, nước tiết kiệm và làm thêm giờ để tăng thu nhập, hạn chế ăn uống bên ngoài”.
Chị Nguyễn Thị Kim Huệ (phường 7, TP.Tân An) cho biết: “Để không rơi vào tình trạng “hụt tiền” quá nhiều, trước khi đi chợ, tôi ghi ra giấy những thứ cần mua và cân nhắc chọn thực phẩm có giá tốt hơn ở nhiều cửa hàng khác, tiết kiệm được vài ngàn đồng vẫn là tiết kiệm. Mỗi ngày, tôi chi trung bình 120.000-150.000 đồng cho bữa cơm gia đình. Đối với những mặt hàng nào mua được trên các sàn thương mại điện tử hoặc phiên livestream với giá “hời”, tôi sẽ ưu tiên. Tuy nhiên, tôi cũng phải tìm hiểu kỹ, chú trọng chất lượng và thương hiệu sản phẩm để bảo đảm an toàn cho gia đình”.
Trong bối cảnh vật giá “leo thang”, túi tiền của nhiều gia đình đang phải “siết chặt” để bảo đảm đủ chi tiêu. Mong rằng trong thời gian tới, giá cả sẽ sớm được bình ổn để người tiêu dùng giảm bớt gánh nặng./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/siet-chat-chi-tieu-thoi-vat-gia-leo-thang-a192862.html