Siết chặt công tác quản lý khoáng sản

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc. Hiện các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đang tìm cách tháo gỡ.

Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh

Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở TN&MT Đặng Ngọc Anh cho biết:

- Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 35 giấy phép, bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cấp phép còn hiệu lực; 8 giấy phép và 2 bản xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản trong diện tích đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 8 mỏ do Bộ TN&MT cấp phép còn hiệu lực.

* Dù các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản không phép, trái phép vẫn diễn ra. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?

- Thời gian qua, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, thường xuyên tái diễn nhưng chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để. Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản chưa thực hiện nghiêm quy định về khoáng sản, đất đai, môi trường trong hoạt động khai thác như hạn chế về năng lực điều hành mỏ; vi phạm về thiết kế mỏ; khai thác ngoài vị trí được cấp phép, khai thác vượt công suất; khai thác chưa đúng hệ thống khai thác theo thiết kế mỏ đã được duyệt; sử dụng bãi tập kết cát chưa đúng quy định; xe vận chuyển khoáng sản quá tải, thực hiện giám sát môi trường chưa đúng tần suất theo quy định; không vận hành trạm cân, camera giám sát; không báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; không lập đầy đủ sổ sách, chứng từ, tài liệu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; kê khai thuế, phí không đúng với sản lượng khai thác thực tế.

Trong quá trình khai thác, một số đơn vị chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính như thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường. Ngoài ra, một số đơn vị chưa chấp hành nghiêm chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt, vận chuyển cát ra ngoài tỉnh khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; bán hoặc sử dụng khoáng sản không đúng với mục đích cấp phép khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; niêm yết giá không đúng với giá thông báo của đơn vị chức năng hoặc xuất hóa đơn bán cát với giá thành không đúng với giá bán thực tế.

Mỏ cát tại xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) của Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Phú Hòa đến ngày 30/6/2023 hết hạn khai thác nhưng vẫn chưa đưa các phương tiện máy móc phục vụ khai thác ra khỏi khu vực mỏ. Ảnh: ANH NGỌC

* Vậy việc kiểm tra, giám sát tại các mỏ được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Việc giám sát tại các mỏ được thực hiện thông qua hệ thống camera và trạm cân. Nghị định 158 ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Tuy nhiên, hệ thống camera và trạm cân chưa được kết nối với các cơ quan quản lý nên gặp khó khăn trong công tác giám sát.

Năm 2021, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương và phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, thuê dịch vụ lưu trữ, quản lý thông tin về khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống camera giám sát kết nối với trạm cân và truyền tải dữ liệu trực tiếp về cơ quan quản lý. Sở TN&MT đã tiến hành các thủ tục ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện các gói thầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông. Hiện nay các đơn vị tư vấn, thi công đang triển khai các bước để lắp đặt thiết bị, dự kiến trong tháng 10/2023 sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động.

Sở TN&MT đã tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ cát trên sông Đà Rằng, thuộc xã Hòa Thành (TX Đông Hòa) của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Huy Phú vì có nhiều sai phạm. Ảnh: ANH NGỌC

* Một trong những khó khăn, vướng mắc lâu nay khi triển khai các dự án khoáng sản trên địa bàn tỉnh là công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tỉnh có giải pháp nào để tháo gỡ điều này, thưa ông?

- Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Phú Yên có 67 mỏ cát xây dựng với diện tích 1.533ha; 85 mỏ đá xây dựng với diện tích gần 983ha; 132 mỏ đất (cát) san lấp với diện tích 2.240ha; 21 mỏ đất sét sản xuất gạch ngói với diện tích hơn 109ha.

Trong 2 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức 9 đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đã đấu giá thành công hơn 40 mỏ khoáng sản (đất, cát, đá, đất sét…). Một số mỏ đã được phê duyệt trữ lượng và đang hoàn tất thủ tục chủ trương đầu tư; một số mỏ đang thụ lý hồ sơ phê duyệt trữ lượng, triển khai thi công thăm dò, cấp phép thăm dò. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có mỏ nào đưa vào khai thác, nguyên nhân là quy trình, thủ tục cấp phép mất thời gian dài, đây cũng là một trong những bất cập trong hoạt động cấp phép khai thác khoáng sản. Bởi theo quy trình cấp phép mỏ khoáng sản phải qua mười mấy bước, như sau khi đấu giá xong thì tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, cấp chủ trương đầu tư, cấp phép, thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng…

Bên cạnh đó, theo quy định, dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và khai thác tận thu khoáng sản thì Nhà nước không thu hồi đất, không bồi thường giải phóng mặt bằng. Chủ đầu tư sau khi được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản phải tự thỏa thuận, bồi thường với người sử dụng đất để được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Việc này mất khá nhiều thời gian, nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù với người sử dụng đất, do đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai của các dự án khai thác khoáng sản.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tình trạng một số người đầu cơ nắm bắt được thông tin quy hoạch về các mỏ khoáng sản đã đi trước thỏa thuận với người dân chuyển quyền sử dụng đất trên các mỏ đã quy hoạch này. Sau khi các mỏ trúng đấu giá, nhà đầu cơ sẽ nâng mức giá bồi thường lên rất cao, gấp nhiều lần so với giá thực tế, khiến các nhà đầu tư trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc này cũng đã được tổng hợp, trình Quốc hội để sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới. Về phần Phú Yên, tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, nếu các nhà đầu cơ đất để thu lợi bất chính sẽ kiên quyết xử lý, trong đó sẽ điều chỉnh lại quy hoạch để đưa các mỏ có trường hợp đầu cơ đất ra khỏi quy hoạch.

* Xin cảm ơn ông!

Trong 2 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức 9 đợt đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đã đấu giá thành công hơn 40 mỏ khoáng sản (đất, cát, đá, đất sét…). Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có mỏ nào đưa vào khai thác, nguyên nhân là quy trình, thủ tục cấp phép mất thời gian dài…

ANH NGỌC (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/308158/siet-chat-cong-tac-quan-ly-khoang-san.html