Siết chặt kiểm soát gian lận xuất xứ: Bảo vệ thương hiệu hàng Việt
Trước thực trạng gia tăng hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa đội lốt 'Made in Vietnam' để lẩn tránh thuế và tận dụng ưu đãi thương mại, các cơ quan chức năng đang siết chặt kiểm soát và quản lý nhằm bảo vệ uy tín hàng Việt trên thị trường quốc tế và trong nước.
Gia tăng giả mạo xuất xứ hàng Việt
Bộ Công Thương vừa công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Cụ thể, danh sách gồm 18 sản phẩm gồm gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ đồ thể thao nhập lậu giả mạo xuất xứ Việt Nam tại ngõ 11 Trần Vĩ (Cầu Giấy). Ảnh: Hoài Nam.
Tình trạng “hàng ngoại đội lốt hàng Việt” là thực tế đang diễn ra thời gian qua. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cảnh báo, nhiều loại nông sản không rõ nguồn gốc đang được bán với tên gọi sản phẩm đặc trưng của Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cải mầm đá Sapa...
Thủ đoạn thường thấy là trà trộn nông sản nhập khẩu với hàng Việt hoặc dán nhãn hàng Việt để đánh lừa người tiêu dùng. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, để khai thác tâm lý “chuộng hàng nội”, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu sản phẩm từ các nước khác, sau đó “phù phép” nhãn mác thành “Made in Vietnam”.
“Vừa qua, lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra hai điểm kinh doanh tại xã La Phù (huyện Hoài Đức) và phát hiện lượng lớn tất nhãn hiệu ADIDAS, TOMMY HILFIGER, UNIQLO gắn mác Việt Nam. Chủ hàng thừa nhận đây là hàng nhập lậu từ nước ngoài” - Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết.
Tăng cường kiểm soát
Theo Cục trưởng Cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, hiện nay các hành vi gian lận xuất xứ ngày càng tinh vi. Ngoài các thủ đoạn cũ như khai sai tên hàng, chủng loại, trị giá… còn xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ hàng hóa, khai sai xuất xứ để được hưởng ưu đãi thương mại.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ một lương lớn tất nhập lậu giả mạo xuất xứ Việt Nam tại xã La Phù (Hoài Đức). Ảnh: Hoài Nam
Một số đơn vị, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, sau đó lắp ráp đơn giản hoặc gia công sơ sài tại Việt Nam nhưng vẫn gắn nhãn “Made in Vietnam”. Có trường hợp, hàng hóa được đưa vào kho ngoại quan, sau đó trộn lẫn với hàng nội địa để xuất khẩu dưới dạng hàng Việt Nam.
Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên chia sẻ thêm, việc xử phạt hành vi giả mạo xuất xứ gặp khó khăn do thiếu quy định cụ thể trong cách hiểu và xác định thế nào là “giả mạo xuất xứ”. Dù Nghị định 128/2020/NĐ-CP đã có chế tài xử phạt nặng, nhưng việc áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều lúng túng.
Theo các chuyên gia, để nâng cao hiệu quả kiểm soát, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ và tận dụng đúng các cam kết thương mại tự do.
Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại Và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường xuất xứ hàng hóa; đồng thời, truyền thông sâu rộng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng về các hành vi gian lận và hệ quả pháp lý. Vị đại diện này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp với các tổ chức cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để xác minh vùng nguyên liệu, tránh tình trạng gian lận, trục lợi từ chính sách ưu đãi thương mại.
Nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản số 2515/BCT-XNK ngày 11/4/2025 về việc quản lý nguyên liệu nhập khẩu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong đó, Bộ đề nghị các hiệp hội ngành hàng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để cập nhật thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất phù hợp.
Doanh nghiệp cũng được khuyến cáo phải đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, tuân thủ yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của thị trường nhập khẩu. Việc chủ động lựa chọn nhà cung ứng, kiểm soát chất lượng từ đầu vào là yếu tố then chốt để hàng hóa Việt Nam giữ vững uy tín.
Đặc biệt, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường giám sát, xử lý hành vi vận chuyển hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam qua biên giới. Đồng thời, siết chặt việc cấp C/O cho các loại hàng hóa có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Ban Chỉ đạo 389 cũng đề nghị tiếp tục rà soát những quy định còn bất cập về xác định xuất xứ hàng hóa để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Điều này sẽ góp phần tạo ra một khung pháp lý chặt chẽ hơn, hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ thương hiệu quốc gia trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.