Siết chặt kỷ cương, điều chuyển, thay thế cán bộ yếu kém

Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng cán bộ. Từ năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành quy định về đánh giá cán bộ hằng tháng. Không dừng lại ở đây, để bảo đảm công tác cán bộ được vận hành tròn khâu, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiện chủ trương 'có lên, có xuống', 'có vào, có ra' trong công tác cán bộ.

Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 13 tổ chức trung tuần tháng 6-2023, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, dành nhiều thời gian thảo luận liên quan trực tiếp đến chức trách, nhiệm vụ của cá nhân từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, cũng như đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của thành phố. Cụ thể, tại hội nghị này, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội dành thời gian cho ý kiến vào dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội”.

Trước đó, cuối tháng 4-2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo nhằm triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của cán bộ, cơ quan, địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định. Chịu trách nhiệm cá nhân, trực tiếp và toàn diện trước UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố phân công, ủy quyền, giao nhiệm vụ, bao gồm cả việc đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nội vụ tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được cấp có thẩm quyền giao.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Người dân thực hiện các thủ tục hành chính tại UBND huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.

Lý giải về chủ trương và cách làm này, đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, TP Hà Nội xác định kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm phải được đặt lên hàng đầu. Trong 3 năm qua (2021-2023), TP Hà Nội đã lựa chọn và thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được tăng cường. Đây là nguyên nhân chủ yếu giúp thành phố khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay.

Tuy nhiên, đồng chí Vũ Đức Bảo đánh giá, kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống chính trị thành phố còn một số mặt hạn chế. Việc chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền của một số cơ quan, đơn vị và bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nghiêm. Nhiều công việc thực hiện thiếu quyết liệt, chưa đúng tiến độ, chất lượng chưa đạt yêu cầu. Có lúc, có nơi kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ chưa nghiêm, cá biệt có nơi buông lỏng...

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc theo vị trí việc làm; có tâm lý “bàn lùi”, “không làm thì không sai”; không dám tham mưu, đề xuất. Thậm chí cán bộ không dám quyết định những nội dung công việc thuộc thẩm quyền; thiếu chủ động trong tham mưu hoặc tham mưu “lòng vòng”, không nêu rõ quan điểm... Một số cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong giải quyết công việc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Một trong những nội dung trọng tâm trong dự thảo Chỉ thị nhận được sự đồng tình của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, đó là “Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực yếu, không chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của cấp trên, có biểu hiện gây phiền hà, sách nhiễu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm”.

Quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đó là để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc thì cần thực hiện tốt phương châm các việc cấp bách phải được giải quyết ngay; vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm được tập thể bàn bạc kỹ, thấu đáo trước khi quyết định; chủ động dự báo tình hình, sâu sát cơ sở, tập trung ưu tiên giải quyết công việc nổi cộm, bức xúc, cấp bách thực tiễn đặt ra... Đặc biệt, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực; quyết tâm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là “thước đo” đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Có thể thấy, việc Ban Thường vụ Thành ủy đưa dự thảo Chỉ thị xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố là nét đổi mới tích cực. Các đại biểu cho rằng, chỉ thị được ban hành sẽ là bước tiến mới trong công tác cán bộ; khẳng định tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội, cũng là một ví dụ sinh động về việc nêu gương và làm gương của Đảng bộ Thủ đô trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương.

Bài và ảnh: KHẮC KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/siet-chat-ky-cuong-dieu-chuyen-thay-the-can-bo-yeu-kem-732023