Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Chiều 11/7, tiếp tục Phiên họp thứ 35, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tổng kết Kỳ họp thứ 7.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước và từ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận và thống nhất tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.

Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật); cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác; trong đó, đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Kỳ họp đã có 2.119 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp Tổ; có 936 lượt đăng ký, trong đó có 708 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận và 42 lượt tranh luận.

 Tổng thư ký Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng thư ký Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Trong thời gian giữa 2 đợt của Kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, UBTVQH đã tổ chức phiên họp để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về các dự án luật, dự thảo nghị quyết để hoàn thiện các dự thảo một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, nhất là các vấn đề lớn, các nội dung còn có ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao, trong đó có 2 luật và 1 nghị quyết được 100% đại biểu Quốc hội có mặt tán thành thông qua.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp này vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần tiếp tục được khắc phục như: Một số nội dung được đề nghị bổ sung vào Chương trình Kỳ họp rất gấp, làm bị động trong công tác thẩm tra, nghiên cứu tài liệu và phải điều chỉnh chương trình Kỳ họp nhiều lần. Một số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội còn trùng lặp, chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm; vẫn còn tình trạng sử dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến. Thời hạn gửi xin ý kiến một số nội dung ngắn, chưa bảo đảm thời gian để nghiên cứu, cho ý kiến. Việc bố trí thời gian thảo luận còn chưa phù hợp đối với một số nội dung. Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được của Kỳ họp, chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ họp tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (bên phải) và đại diện các Bộ, ngành tham dự Phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long (bên phải) và đại diện các Bộ, ngành tham dự Phiên họp.

Thứ hai: Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Thứ ba: Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết… Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, đề nghị tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp sau.

Thứ tư: Các vị đại biểu Quốc hội thường xuyên giữ mối liên hệ, lắng nghe, phản ánh trung thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thứ năm: UBTVQH tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Trong đó, chỉ đạo tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phục vụ kỳ họp. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền.

Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần bám sát nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội để chủ động tổ chức triển khai hoạt động thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách bảo đảm tiến độ, nhất là đối với các nội dung được bổ sung gấp để trình Quốc hội tại Kỳ họp.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/siet-chat-ky-luat-ky-cuong-tang-cuong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-trong-cong-tac-xay-dung-phap-luat-post303111.html