Thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng nằm cách trung tâm huyện Kon Plông (Kon Tum) khoảng 50km. Ngôi làng nằm sâu trong dãy Trường Sơn bốn bề đồi núi ngăn cách. Đây là ngôi làng tái định cư để nhường đất cho thủy điện thượng Kon Tum.
Ngôi làng ở vùng tâm chấn động đất này tọa lạc ở lưng chừng đồi, sau lưng là núi, trước mặt là vực sâu. Hơn 70 hộ dân nơi đây chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, trồng và bảo vệ rừng. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nằm trên địa hình núi cao trên 1.000m chiếm 80%, còn lại là cao nguyên. Dân cư đa số tập trung ở sườn dốc và thung lũng phân bố dọc theo hệ thống sông Đắk Ring, sông Đắk Rơ Manh, sông Đắksnghé. Với địa hình chia cắt, mỗi mùa mưa bão vùng đất Kon Plông là một trong những địa phương thường xuyên bị lũ quét và sạt lở.
Khoảng 20 ngày qua, tại khu vực đồi núi này xảy ra những trận mưa lớn. Dọc tuyến đường vào xã Đắk Tăng, những mảng đồi cao hàng chục mét ở phía taluy sạt xuống. Những mảng đồi còn lại trơ trọi cây xanh cũng chực chờ lao xuống đường.
Ông Nguyễn Văn Bay, Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng cho biết: "Người dân trên địa bàn đã thích nghi với những trận động đất xảy ra hàng ngày. Một số trận động đất từ 4 - 5 độ richter gây rung lắc mạnh khiến bà con cảm giác hoang mang, lo sợ tức thời".
Bà Y Môn (67 tuổi, trú tại thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông) sau 3 ngày xảy ra trận động đất 5 độ richter hôm 28/7 vẫn lạc quan: "Động đất lớn mới lo chứ động đất nhỏ lâu ngày cũng thấy quen rồi".
Bà Y Môn cho biết do nhà cũ nên mỗi khi xảy ra động đất mạnh thì từng mảng vữa, gạch ốp bị rơi xuống. Dọc tường xuất hiện nhiều vết nứt chân chim, có nơi từng mảng tường bong tróc, rơi rụng.
Những đứa trẻ sinh sống trong vùng tâm chấn động đất.
Anh A Lang (thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng) cho biết: "Lần rung chấn 5 độ richter, tôi đang trồng cây trên núi. Động đất gây rung lắc mạnh, lòng đất phát ra những tiếng nổ lớn. Ảnh hưởng động đất mạnh, tôi ngã xuống. Người dân nơi đây mỗi ngày đều cảm nhận được rung chấn nhưng khi động đất mạnh, người dân vẫn chung tâm lý lo sợ, bối rối".
Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông (áo khoác đen) đến thăm, động viên người dân thôn Đắk Tăng sau trận động đất 5 độ richter xảy ra hôm 28/7.
Liên quan đến việc động đất xảy ra với tần suất ngày một tăng, cường độ ngày càng mạnh, huyện Kon Plông đã phối hợp kiểm tra các tuyến đường giao thông nông thôn. Đoàn liên ngành tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông thường xuyên phối hợp với chủ thủy điện kiểm tra các hồ chứa, đường ống dẫn, tổ máy.
Lòng hồ thủy điện thượng Kon Tum đang tích nước trong giai đoạn mùa mưa. Viện Vật lý địa cầu xác định, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.
Viện Vật lý địa cầu ghi nhận tính đến 10h sáng 31/7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục xảy ra 7 trận động đất với cường độ rung chấn thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Tạ Vĩnh Yên