Siết chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng bằng thông tư mới

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, với mục tiêu giữ vững thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt.

Gần đây, Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sớ đóng gói sầu riêng. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhìn ra nhiều vấn đề trong quá trình phát triển loại trái cây tỷ USD, từ việc tăng trưởng “nóng” diện tích vùng trồng, cho đến khả năng đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu.

“Nếu không sớm tái cơ cấu, ngành hàng sầu riêng có nguy cơ đánh mất niềm tin từ khách hàng và làm tổn hại đến uy tín nông sản Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang khẩn trương hoàn thiện Thông tư mới về việc hướng dẫn quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, nhằm siết chặt hàng rào kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi sản xuất nông sản, bao gồm cả mặt hàng sầu riêng.

Dự thảo Thông tư quy định rõ vùng trồng muốn được cấp mã số phải sản xuất tập trung một loại cây trồng, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP hoặc tương đương), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và duy trì vệ sinh đồng ruộng.

Cơ sở đóng gói cần đảm bảo sơ chế theo quy trình một chiều, có biện pháp phòng chống tái nhiễm, đầy đủ hồ sơ về nguồn gốc sản phẩm và hóa chất sử dụng.

Dự thảo cũng đưa ra 3 phương án phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp mã số: cấp tỉnh, cấp xã hoặc linh hoạt theo điều kiện địa phương. Với sản phẩm xuất khẩu, dữ liệu mã số sẽ được tổng hợp để phục vụ đàm phán và kiểm tra theo yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Việc giám sát mã số sẽ được thực hiện định kỳ hàng năm, cập nhật kết quả lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Cơ quan địa phương có quyền tạm dừng hoặc thu hồi mã số nếu phát hiện vi phạm trong quá trình giám sát hoặc có thông báo từ đối tác nhập khẩu.

Đặc biệt, Thông tư cũng đề xuất áp dụng mã số cho thị trường nội địa nhằm từng bước đồng bộ hệ thống, đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc toàn diện. Các địa phương sẽ được yêu cầu xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí nguồn lực và tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thông tư mới sẽ siết chặt kiểm soát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Thông tư mới sẽ siết chặt kiểm soát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng nhất trong thập kỷ qua. Diện tích trồng sầu riêng đã tăng gần 6 lần, lên gần 180.000 ha, trong đó riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm hơn 30.000 ha, đưa loại quả này trở thành trái cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Sầu riêng Việt Nam được Bộ trưởng đánh giá có chất lượng không hề thua kém Thái Lan hay Malaysia. Đây là kết quả của sự tham gia đồng bộ từ nhiều thực thể trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, cán bộ kỹ thuật, đến hệ thống thu mua và đóng gói.

Tuy nhiên, ngành sầu riêng cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Vị tư lệnh ngành Nông nghiệp và Môi trường cho biết hiện diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng diện tích cả nước, một tỷ lệ còn khá thấp. Nếu nâng được tỷ lệ này lên mức 70-80%, giá trị xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sẽ tăng mạnh, tạo lợi thế rõ rệt trong cạnh tranh quốc tế.

Liên quan đến vấn đề sầu riêng Việt Nam vẫn đang xuất khẩu chủ đạo sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhìn nhận việc quá phụ thuộc vào một thị trường là hướng đi không bền vững. Bộ đã và đang xúc tiến mở cửa, mở rộng xuất khẩu chính ngạch cho sầu riêng Việt Nam sang các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và UAE.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, đa dạng hóa thị trường sầu riêng là mục tiêu quốc gia, và cần sự phối hợp giữa các Bộ Ngành. Trong đó:

- Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì đàm phán kỹ thuật mở cửa thị trường, nâng cao năng lực kiểm nghiệm, truy xuất và giám sát vùng trồng

- Bộ Công thương: Tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán thuế quan, quảng bá thương hiệu;

- Bộ Ngoại giao và các Tham tán thương mại: Kết nối doanh nghiệp - thị trường, hỗ trợ xử lý rào cản

- Bộ Khoa học và Công nghệ: Hỗ trợ đổi mới công nghệ chế biến và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/siet-chat-ma-so-vung-trong-co-so-dong-goi-sau-rieng-bang-thong-tu-moi-d291291.html