Siết chặt quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

Thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố liên tục xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm được phát hiện từ bữa ăn trường học, khiến nhiều phụ huynh hết sức lo ngại. Đòi hỏi cần nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự quản lý chặt chẽ, nghiêm túc của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm, ý thức người tiêu dùng, từ đó hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, đảm bảo sức khỏe trẻ em và giữ niềm tin với xã hội.

Bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Thúy Sơn (thành phố Ninh Bình).

Bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Thúy Sơn (thành phố Ninh Bình).

Mới đây, sự việc hàng trăm học sinh Trường Ischool Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn bán trú, trong đó có 1 trẻ tử vong nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Các nhà trường, những người làm công tác quản lý giáo dục không khỏi lo lắng, bất an, bởi lẽ, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Giáo dục. Vấn đề ATTP cần thêm sự phối hợp, cùng vào cuộc của các ngành liên quan như Nông nghiệp, Công thương, Y tế... trong việc giám sát, kiểm tra, cấp chứng nhận đảm bảo VSATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, từ đó mới có thể có những bữa ăn an toàn, chất lượng cho học sinh bán trú.

Chị Trần Thị Mai Dung, phương Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Tôi có 2 con đang học bậc mầm non và tiểu học, đều ăn bán trú tại trường, nên tôi rất quan tâm đến vấn đề ATTP. Tôi thấy, thực tế hiện nay, thực phẩm bẩn vẫn còn trôi nổi trên thị trường... Trong khi, việc quản lý về quá trình sản xuất, mua bán, bảo quản thực phẩm hiện chưa đồng bộ và chưa có những chế tài xử phạt thật nặng để răn đe cơ sở sản xuất, người kinh doanh vi phạm. Đòi hỏi, các cơ quan Nhà nước cần siết chặt quản lý, tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức, trách nhiệm với vấn đề ATTP, từ đó mới có thể giảm dần tình trạng vi phạm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...

Chị Vũ Hồng Hạnh, Phòng nghiệp vụ ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Thời gian qua, để đảm bảo ATTP trong các bữa ăn bán trú cho học sinh, Chi cục thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành tại các bếp ăn tập thể trong trường học. Qua đó nắm bắt được những bất cập, còn tồn tại để yêu cầu các nhà trường khẩn trương khắc phục, sửa chữa.

Đồng thời, trong quá trình kiểm tra có sự hướng dẫn, tuyên truyền các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình, từ nhập thực phẩm, sơ chế, bảo quản đến chế biến, đưa đến bàn ăn. Tất cả các khâu trong quy trình, đều phải được thực hiện theo đúng hướng dẫn, quy định của Luật An toàn thực phẩm, quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tuyệt đối về ATTP, không để xảy ra các vụ ngộ độc tập thể, quy mô lớn và nguy hiểm...

Theo cô giáo Phạm Thị Tươi, Hiệu trưởng trường Mầm non Khánh Tiên (huyện Yên Khánh), việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ em tại trường luôn là nỗi lo và đòi hỏi trách nhiệm cao cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tại trường, mỗi ngày có trên 200 trẻ, ở 9 nhóm, lớp thực hiện ăn bán trú tại trường. Xác định rõ, trẻ đến trường và ăn hầu hết các bữa chính, bữa phụ tại trường để phát triển cả trí tuệ và thể chất, nên vấn đề đảm bảo ATTP luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm.

"Để đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, nhà trường ký kết hợp đồng với các cơ sở cung cấp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến, yêu cầu các nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm ngặt việc đảm bảo vệ sinh từ dụng cụ chế biến, đồ dùng sử dụng... Nhiều năm qua, tại trường chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tuy nhiên, chúng tôi không dám chủ quan, lơ là, bởi vấn đề ATTP là vấn đề phức tạp, rất khó khẳng định sự tuyệt đối. Chúng tôi chỉ biết làm tốt nhất theo hướng dẫn, đúng quy trình để đảm bảo an toàn cao nhất..." - cô giáo Phạm Thị Tươi nhấn mạnh.

Nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm trong sơ chế thực phẩm tại các trường học.

Nhà giáo Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 155 trường mầm non, trong đó có 146 trường mầm non công lập, 9 trường mầm non tư thục và hàng trăm nhóm trẻ, cơ sở tư thục trông giữ trẻ mầm non trong các khu dân cư. Hàng năm, Sở GD&ĐT đã ban hành các quyết định, kế hoạch kiểm tra thực hiện công tác đảm bảo ATTP trong các trường bán trú. Qua các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất, hầu hết các trường Mầm non trong tỉnh đều quan tâm và làm tốt công tác đảm bảo ATTP. Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong các trường mầm non.

Ngày 21/11/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 6141 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục. Công văn nêu rõ: Thời gian vừa qua, công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục đã được các địa phương quan tâm và kịp thời chỉ đạo, tạo sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm ATTP khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên (gọi tắt là người học) gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở GD&ĐT, Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường các biện pháp bảo đảm VSATTP.

Theo đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục (nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục), giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc bảo đảm VSATTP, phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm và ngộ độc thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và nước đã được đun sôi.

Nghiêm cấm không để các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học. Đồng thời, tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường trường học để phòng, chống và ngăn chặn các bệnh lây truyền do nguồn nước không bảo đảm. Lập kế hoạch duy trì các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng các công trình nước sạch, vệ sinh trong các cơ sở giáo dục.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATTP, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp với tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh và điều kiện của gia đình trẻ em, học sinh để nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và các bệnh không lây nhiễm.

Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành Giáo dục - Y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, ATTP, vệ sinh trường học tại các cơ sở giáo dục; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm bảo đảm sức khỏe cho trẻ em, học sinh.

Hạnh Chi-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/siet-chat-quan-ly-dam-bao-an-toan-thuc-pham-trong-truong/d20221127103910345.htm