Siết chặt quản lý đất đai, bảo đảm kỷ cương pháp luật

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và áp lực gia tăng từ phát triển kinh tế - xã hội, TP Hà Nội đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong công tác quản lý đất đai.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm dụng, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng, UBND TP Hà Nội đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mạnh nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai, góp phần bảo đảm kỷ cương pháp luật và phát triển bền vững.

Nhiều bất cập kéo dài

Số liệu tổng hợp báo cáo từ Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2023 tình trạng nợ đọng tiền thuế (trong đó có lượng lớn về tiền thuế đất) luôn ở mức cao. Cụ thể, năm 2021, nợ thuế đất khoảng 11.840 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng nợ. Năm 2022, số nợ thuế đất lên tới 13.545 tỷ đồng, bằng 58% tổng nợ và tăng lên gần 15.470 tỷ đồng trong năm 2023, chiếm gần 54% tổng nợ.

Một dự án xây dựng trên địa bàn xã Quang Minh, Hà Nội. Ảnh Công Hùng

Một dự án xây dựng trên địa bàn xã Quang Minh, Hà Nội. Ảnh Công Hùng

Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP Hà Nội đã chỉ ra những vấn đề hình thành nên khoản nợ tiền thuế đất tồn đọng là do nhiều dự án không có khả năng tiếp tục triển khai, nên mức tiền phạt chậm nộp cộng tiền gốc ngày càng lớn, các đơn vị, tổ chức khó có khả năng trả nợ. Trong khi công tác thu hồi dự án khó khăn do chủ đầu tư đã bỏ 1 phần vốn; bên cạnh đó là sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các sở, ngành, quận huyện thời gian qua còn bất cập, hồ sơ thuế chậm được giải quyết... nên dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp nợ thuế bị kéo dài nhiều năm.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Hà Nội cũng cho thấy, thời gian qua việc sử dụng đất đai tại nhiều địa bàn còn tồn tại tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích... Đáng chú ý, một số khu vực ngoại thành như Đông Anh, Hoài Đức, Mê Linh (cũ)… đã xuất hiện tình trạng tự ý san lấp, phân lô bán nền, thậm chí xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, đất công, đất chưa được cấp phép. “Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các sở, ngành và chính quyền cơ sở trong kiểm tra, xử lý vi phạm; thiếu cán bộ chuyên môn có năng lực hoặc có biểu hiện buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho sai phạm... Nên nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận và tạo tiền lệ xấu cho việc vi phạm pháp luật đất đai” – đại diện Sở NN&MT Hà Nội cho hay.

Trước thực trạng trên, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ đạo yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải tăng cường kiểm tra, rà soát quỹ đất; xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm; công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân giám sát... Trong đó, Công văn số 816/2022/UBND-KT của UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc cho thuê đất, nhất là những khu đất công đang sử dụng không hiệu quả, có biểu hiện trục lợi... Mới đây, TP lại tiếp tục giao Sở NN&MT phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế, Sở Tài chính và UBND các chính quyền cơ sở rà soát toàn bộ danh mục những khu đất được giao, cho thuê, đấu giá sử dụng đất trong 5 năm trở lại đây, từ đó đánh giá hiệu quả sử dụng và kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai. “TP kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật đất đai, kể cả cán bộ công chức tiếp tay cho sai phạm. Việc siết lại kỷ cương trong quản lý đất đai là nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm phát triển đô thị văn minh, hiện đại” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Cần cơ chế xử lý triệt để, đồng bộ nhưng tránh hình thức

Nhằm hạn chế tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền cơ sở phải xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sử dụng đất trên địa bàn. Các tổ công tác liên ngành sẽ được thành lập để kiểm tra việc sử dụng đất công, đất giao trái quy định, đất lấn chiếm. Nếu phát hiện vi phạm mà chính quyền cơ sở không xử lý kịp thời, TP sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan...

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc công khai hóa thông tin quy hoạch, định giá đất, danh mục các dự án sử dụng đất là một giải pháp căn cơ để ngăn chặn tham nhũng vặt, bảo vệ quyền lợi của người dân. Ngoài ra, TP cần tiếp tục rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đất đai để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quản lý. “Vấn đề then chốt là phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp khi để xảy ra sai phạm đất đai. Đồng thời, cần có cơ chế “thưởng - phạt” minh bạch để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm và xử lý nghiêm cán bộ buông lỏng trách nhiệm” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, chủ trương siết chặt công tác quản lý đất đai của TP Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung, là bước khởi đầu cho một cuộc “làm sạch” hệ thống sử dụng đất công, đặc biệt trong bối cảnh Luật Đất đai (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành, yêu cầu cao hơn về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, việc ban hành danh mục công khai các khu đất chưa có hợp đồng thuê nhưng đang sử dụng vào mục đích kinh doanh là cần thiết, không chỉ để minh bạch hóa thông tin mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát xã hội của cơ quan quản lý và người dân. “Công tác quản lý đất đai không chỉ đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật mà còn là vấn đề liên quan đến năng lực quản trị, minh bạch thông tin và trách nhiệm chính trị. Việc TP Hà Nội siết chặt kỷ cương đất đai không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị bền vững, hiện đại, phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Phát triển bền vững đô thị cần một hệ thống quản lý đất đai minh bạch, hiệu quả, vừa hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, vừa bảo đảm lợi ích công và trật tự xã hội” - TS Võ Trí Thành cho hay.

Các chuyên gia đều chung quan điểm rằng, việc siết chặt công tác quản lý đất đai là yêu cầu tất yếu, không chỉ xuất phát từ những bất cập tồn tại lâu nay, mà còn để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh, hiện đại. TP Hà Nội đang thể hiện quyết tâm cao độ để đưa lĩnh vực quản lý đất đai trở về đúng quỹ đạo pháp luật, tạo dựng niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng DN.

Đặc biệt, chính sách siết quản lý đất của TP Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú huých mạnh, nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng đất công, nợ nghĩa vụ tài chính kéo dài và sử dụng đất sai mục đích. Nhưng để thành công, cần sự vào cuộc đồng bộ, liên thông và minh bạch giữa các cơ quan, kỷ cương trong quản lý đất đai chỉ mang lại kết quả khi trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất được đặt đúng chỗ và thực thi nghiêm túc.

Riêng đối với DN BĐS, chính sách này còn giúp cho DN giảm tải áp lực về tài chính trước bối cảnh thanh khoản thị trường đang thấp; và việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng đất sai quy định là cần thiết. Tuy nhiên, cần bảo đảm đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ DN (giảm giá thuê, minh bạch thông tin, ổn định cơ chế thuê...), để tránh tạo ra “gánh nặng kép” cho nhà đầu tư và tổ chức sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/siet-chat-quan-ly-dat-dai-bao-dam-ky-cuong-phap-luat.770061.html