Siết chặt quản lý giao thông vùng hồ Hòa Bình

Lượng du khách đến với hồ Hòa Bình thăm quan trải nghiệm dịp đầu xuân tăng cao. Trong khi đó, nhiều phương tiện không đủ điều kiện chở khách theo quy định vì không có đăng ký, đăng kiểm, giấy phép hoạt động. Để bảo đảm an toàn cho hành khách, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng siết chặt hoạt động quản lý bến cảng, phương tiện, tăng cường xử phạt, kiên quyết không cho xuất bến phương tiện không đảm bảo an toàn.

Nhiều phương tiện thủy ở bến Thung Nai (Cao Phong) phải dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn.

Chủ thuyền đứng ngồi không yên mùa lễ hội

Tại bến cảng Thung Nai (Cao Phong), hàng loạt tàu du lịch phải nằm bờ vì không đủ điều kiện an toàn xuất bến. Chủ thuyền lo lắng đứng ngồi không yên. Đồng chí Bùi Thị Luyến, Chủ tịch UBND xã Thung Nai cho biết: Đợt rà soát mới đây, xã có 79 tàu, thuyền hoạt động, trong đó chỉ có 17 tàu đủ điều kiện hoạt động. Lượng khách qua cảng du lịch hồ tăng khá cao dịp đầu xuân. Chủ thuyền không dám chở khách vì sợ phạt. Hiện, cuộc sống của chủ thuyền rất khó khăn vì có tới 98% chủ thuyền vay vốn ngân hàng để đóng tàu thuyền. Biết quy định pháp luật phải thực hiện nghiêm túc, song bà con mong muốn lùi giãn tiến độ thực hiện các quy định an toàn để có thêm thu nhập. Tìm hiểu được biết, trước sự ra quân quyết liệt của lực lượng chức năng, nhiều chủ tàu cố tình luồn lách tại các eo lạch, trốn tránh sự kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Trước đó, ngày 30/1, lực lượng chức năng đã kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) khu vực bến thủy nội địa Tiến Anh và khu vực vùng lòng hồ Hòa Bình. Tổ công tác phối hợp kiểm soát 26 phương tiện xuất bến, kết quả: 5 phương tiện có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa theo quy định; 2 phương tiện trọng tải đến 12 khách có giấy chứng nhận đăng ký, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường còn hiệu lực; 19 phương tiện tự ý rời cảng, bến khi không có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa; phát hiện 3 phương tiện thủy nội địa tự ý cập bến vào trả khách tại khu vực bến, trong đó 2 phương tiện không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký; 1 phương tiện có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hiệu lực; tại khu vực bến dân sinh thuộc xã Thung Nai (bến Vinashin) có 14 phương tiện tự ý xếp khách xuất bến trái phép. Toàn bộ phương tiện xuất bến trái phép đều được thông báo kịp thời tới lực lượng Cảnh sát đường thủy ngoài luồng tuyến để có biện pháp phối hợp ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Theo tổ công tác, số lượng phương tiện đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định hiện hành chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của Nhân dân. Một số chủ phương tiện trốn tránh để tự ý đưa phương tiện thủy nội địa kinh doanh trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ban quản lý bến Tiến Anh chưa có biện pháp quản lý triệt để, do đó vẫn còn tình trạng phương tiện không đảm bảo các điều kiện theo quy định vào neo đậu, đón trả khách trái phép...

Kiên quyết không cho xuất bến phương tiện không đảm bảo an toàn

Theo rà soát của cơ quan chức năng, trên khu vực hồ Hòa Bình có 169/260 tàu chở khách chưa đảm bảo điều kiện hoạt động. Các phương tiện không bảo đảm an toàn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Giao thông vận tải phối hợp Chi cục Đăng kiểm số 1 và các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT đường thủy nội địa, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác có liên quan đến các chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân và Nhân dân; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các bến thủy nội địa không phép trên khu vực hồ Hòa Bình, phương tiện thủy nội địa không đủ điều kiện hoạt động theo thẩm quyền. Yêu cầu các ban quản lý cảng, bến thủy nội địa tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động cảng, bến thủy nội địa; duy trì trạng thái hoạt động của cảng, bến bảo đảm an toàn; chỉ xếp khách lên phương tiện có đủ điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực cảng, bến theo quy định. Hướng dẫn các chủ cảng, bến xây dựng, hoàn thiện hồ sơ công bố hoạt động cảng, bến theo quy định. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông lập kế hoạch ra quân quyết liệt, xử lý các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động...

Đối với UBND các huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Thủy và TP Hòa Bình tăng cường tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân, Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt các quy định về hoạt động khai thác cảng, bến, điều kiện phương tiện thủy và công tác đảm bảo trật tự an toàn khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Phối hợp các lực lượng chức năng liên quan tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa đối với phương tiện, cảng, bến thủy nội địa theo quy định. Chịu trách nhiệm nếu để các bến không phép hoạt động đón trả khách trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/175152/siet-chat-quan-ly-giao-thong-vung-ho-hoa-binh.htm