Siết chặt quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Ngày 22/3/2024, Sở Công Thương có Công văn số 641/SCT-QLTM về việc

Ngày 22/3/2024, Sở Công Thương có Công văn số 641/SCT-QLTM về việc "tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương”. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với hoạt động của loại hình kinh doanh này.

Không đăng ký địa điểm hoạt động tại địa phương, những người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH GCOOP Việt Nam tại thành phố Hòa Bình phải mượn nhà dân để tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo.

Không đăng ký địa điểm hoạt động tại địa phương, những người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH GCOOP Việt Nam tại thành phố Hòa Bình phải mượn nhà dân để tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo.

Quản lý chặt

Theo thông tin từ Sở Công Thương, tính đến ngày 20/3/2024, trên địa bàn tỉnh có 12 doanh nghiệp được cấp giấy xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC), trong đó, 1 công ty đăng ký hoạt động mới, 2 công ty chuyển hình thức đại diện sang Văn phòng đại diện. Số người tham gia hoạt động BHĐC trên toàn tỉnh là 4.138 người. Các doanh nghiệp hoạt động BHĐC chủ yếu kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị trị liệu, điện tử, đồ gia dụng..., nhiều nhất là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm; đa số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, mặc dù hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh không sôi động, nhưng cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh vẫn thường xuyên nắm bắt và quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh này. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền về BHĐC. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về hoạt động BHĐC tại địa phương... Nhất là khi Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 18/2023/NĐ-CP, ngày 28/4/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực và Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành, Sở Công Thương đã đăng tải lên trang web của sở và triển khai đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền đến người dân, đưa công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đi vào nền nếp, hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Còn nhiều biến tướng trong hoạt động kinh doanh đa cấp

Tuy nhiên, theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, bên cạnh những thuận lợi, công tác quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn đều không có địa điểm kinh doanh, trụ sở chính, kho lưu trữ hàng hóa, vì vậy việc quản lý nguồn hàng và xuất xứ hàng hóa gặp khó khăn. Đa số người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp chỉ thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hoạt động BHĐC hoặc hồ sơ sửa đổi, bổ sung hoạt động BHĐC tại địa phương tới Sở Công Thương, vì thế rất khó liên hệ để nắm thông tin và quản lý việc bán hàng. Hoạt động BHĐC chủ yếu có tính chất truyền miệng, người tham gia mạng lưới trong hội, nhóm kín trên mạng xã hội nên lực lượng chức năng khó nắm bắt thông tin, chứng cứ để xử lý khi có vi phạm. Cùng với đó, hiện nay hoạt động kinh doanh đa cấp có nhiều biến tướng phức tạp, mô hình hoạt động tinh vi thông qua mạng xã hội rất khó để kiểm soát. Trong khi các cơ quan chức năng chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để quản lý, kiểm soát.

Trước thực trạng đó, ngày 5/3/2024, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có Công văn số 251 khuyến cáo các địa phương tăng cường quản lý hoạt động BHĐC tại địa phương, vì thời gian qua cơ quan này nhận được nhiều khiếu nại, phản ánh về các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp BHĐC và người tham gia BHĐC. Để tăng cường công tác quản lý hoạt động BHĐC tại địa phương, vừa qua, Sở Công Thương có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND, ngày 28/7/2017 của UBND tỉnh; tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động BHĐC nói chung và các hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC nói riêng, bao gồm cả hoạt động trực tuyến và trực tiếp; đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, người tham gia BHĐC để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức và nhân dân; vận động các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn ký cam kết không cho tổ chức, cá nhân tổ chức hội nghị, hội thảo và đào tạo có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp biến tướng, chưa được cấp phép. Kịp thời phát giác hành vi vi phạm báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định; đề nghị Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về các doanh nghiệp BHĐC không phép, bất chính và hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo yêu cầu.

Thực tế những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp tham gia vào các hoạt động kinh doanh đa cấp, trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình như việc nhiều người "sập bẫy” lừa đảo khi tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty cổ phần Liên kết Việt, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, hay tham gia vào dự án hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH đầu tư - thương mại - dịch vụ Thái Tuấn có địa chỉ trụ sở tại phường Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) là những bài học đắt giá cho nhiều người...

Vũ Phong

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/188198/siet-chat-quan-ly-hoat-dong-ban-hang-da-cap-tai-dia-phuong.htm