Siết chặt quản lý hoạt động mỏ vật liệu xây dựng
Hoạt động các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) lâu nay luôn là vấn đề
Hoạt động các mỏ vật liệu xây dựng (VLXD) lâu nay luôn là vấn đề "nóng” vì ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng, đời sống nhân dân. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản (KTKS) làm VLXD, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Duy trì hiệu quả tổ công tác liên ngành
Trong giai đoạn 2021 - 2024 (từ ngày 1/1/2021 - 30/6/2024), UBND tỉnh ban hành 5 quyết định điều chỉnh bổ sung thăm dò, khai thác và sử dụng 3 loại khoáng sản làm VLXD thông thường: đá, cát làm VLXD, sét làm gạch ngói. Các quyết định đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh có 76 giấy phép còn hiệu lực (71 giấy phép khai thác đá, 3 giấy phép khai thác cát, 2 giấy phép khai thác đất sét làm gạch). Diện tích được cấp phép thăm dò, KTKS là 711,58ha; trữ lượng 349,26 triệu m3; công suất 10,12 triệu m3/năm.
UBND tỉnh đã thu hồi 2 giấp phép của Công ty cổ phần VLXD Sơn Đông, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn; Doanh nghiệp tư nhân xí nghiệp xây dựng Trung Dũng, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy; đóng cửa mỏ Công ty TNHH Minh Nguyệt, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc do vi phạm các quy định liên quan đến hoạt động thăm dò, KTKS làm VLXD thông thường. Các đơn vị đã nộp tiền cấp quyền KTKS 295 tỷ đồng, còn nợ 10 tỷ đồng (chiếm 3,4%); nộp 38 tỷ đồng tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong hoạt động KTKS làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Phạm Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Sở Xây dựng đã thành lập tổ kiểm tra 63 mỏ trên địa bàn, qua đó phát hiện các vi phạm chủ yếu là chưa lắp camera, khai thác sai thiết kế… Sở đã tham mưu dừng hoạt động khai thác của một số mỏ. Tổ công tác yêu cầu các đơn vị, địa phương chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp KTKS làm VLXD. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh tạm dừng hoạt động khai thác của 16 đơn vị chưa thực hiện điều chỉnh lại thiết kế mỏ để phù hợp với thiết kế cơ sở điều chỉnh; yêu cầu các đơn vị phải thực hiện khắc phục xong vi phạm mới cho phép hoạt động trở lại. Đến nay, 11/16 đơn vị đã khắc phục xong vi phạm, được UBND tỉnh cho phép hoạt động khai thác trở lại, 3 đơn vị đang thực hiện khắc phục vi phạm về khai thác sai thiết kế, 2 đơn vị dừng khai thác. Đối với những tồn tại, vi phạm của các đơn vị theo từng chuyên ngành, lĩnh vực được tổ công tác giao cho các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch tham mưu xử lý theo quy định.
UBND tỉnh và các cơ quan thanh tra chuyên ngành đã ban hành 86 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, số tiền xử phạt 15,1 tỷ đồng; những tồn tại về thiếu thủ tục hồ sơ trong các lĩnh vực liên quan đều được cơ quan chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện đầy đủ theo quy định.
Trên địa bàn tỉnh có 59 đơn vị có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) để KTKS với 53 giấy phép sử dụng VLNCN. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng VLNCN phục vụ KTKS làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, công tác quản lý nhà nước đối với các mỏ khai thác đá làm VLXD trong những năm qua đã có nhiều cố gắng. Song do khai thác đá có tính đặc thù, chủ yếu là núi cao hiểm trở, khó khăn kiểm tra thường xuyên, dẫn đến một số chủ mỏ vẫn còn sai phạm được tổ liên ngành phát hiện, kịp thời xử lý; còn nhiều phản ánh của người dân và cơ quan báo chí liên quan đến vấn đề khai thác, vận chuyển, nổ mìn gây rung chấn, tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng môi trường. Thanh tra Sở đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra với 50 đơn vị có hoạt động VLNCN, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 đơn vị có vi phạm, phạt tiền 116,5 triệu đồng. Các đơn vị đã chấp hành đầy đủ việc nộp phạt vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Hiện, các điểm mỏ được cập nhật và tích hợp trong Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản Quy hoạch tỉnh Hòa Bình là cơ sở để quản lý, đề xuất các thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác và thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển khoáng sản gây hư hại đến kết cấu hạ tầng giao thông. Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tại những địa bàn giáp ranh khó phát hiện để kiểm tra, xử lý về ranh giới, trữ lượng khai thác. Việc quy định đất đắp, đất đồi dùng để san lấp mặt bằng được quy định như là loại khoáng sản làm VLXD thông thường dẫn đến khó quản lý, khó thực hiện cấp phép. Vẫn còn một số đơn vị sử dụng VLNCN chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, quy định của pháp luật, nội dung trong giấy phép sử dụng VLNCN và hồ sơ thiết kế được phê duyệt tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân.
Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 119-KH/TU, ngày 27/7/2022 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó cần thực hiện rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động KTKS; việc tái đầu tư nguồn thu từ KTKS để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi KTKS. Khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác khai thác, chế biến khoáng sản; chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến đá làm VLXD quy mô nhỏ bảo đảm an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, KTKS, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các sở, ngành để xảy ra vi phạm thuộc địa bàn, địa phương, đơn vị, lĩnh vực quản lý... Kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường; thu hồi giấy phép KTKS đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, vi phạm đã xử lý mà không thực hiện khắc phục theo quy định.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp thu thuế và chống thất thu thuế. Chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chỉ đạo kịp thời giải quyết đơn thư, tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị... của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Đối với định hướng cấp mỏ khai thác đá, trong thời gian tới sẽ dừng cấp phép mới theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem xét đưa ra lộ trình đến năm 2030 dừng hoạt động khai thác đối với các khu vực khoáng sản đá làm VLXD thông thường nằm trong khu vực phát triển đô thị.
Đối với cát, sỏi lòng sông tiếp tục triển khai tích cực, có hiệu quả các nội dung tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 1695/QĐ-UBND, ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ khoanh định khu vực không đấu giá quyền KTKS để phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước; các công trình khắc phục thiên tai, địch họa; công trình phúc lợi thuộc chương trình nông thôn mới... Tiến hành đấu giá quyền KTKS đối với các mỏ đất thương mại, phục vụ các dự án ngoài đầu tư công.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 27/5/2024 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh. Đối với các mỏ khai thác theo lớp đứng, lớp xiên chuyển tải bằng nổ mìn phải tạo các tầng khai thác trung chuyển và thực hiện chuyển tải bằng máy xúc để hạn chế việc đất, đá sau khi nổ mìn rơi xuống chân tuyến. Đối với các mỏ mới, mỏ đang trong quá trình xây dựng cơ bản và mỏ có đủ diện tích, khu vực khai thác theo lớp bằng phải thực hiện khai thác theo lớp bằng, vận tải trực tiếp. Khi tiến hành nổ mìn tại các khu vực có độ dốc lớn hơn 300m, hoặc vị trí cao hơn mặt bằng sân công nghiệp lớn hơn 30m, phải tính toán giảm khối lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất, quy mô bãi nổ trong 1 lần nổ, điều chỉnh hướng nổ mìn phù hợp với điều kiện thực tế, để hạn chế tối đa tình trạng đá văng và lượng bụi phát tán ra môi trường xung quanh.
Tính toán, xác định khối lượng thuốc nổ các loại được sử dụng tối đa trong 1 ngày theo hồ sơ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện theo kết quả tính toán. Nghiên cứu lắp đặt hệ thống camera giám sát xung quanh khu vực hoạt động KTKS (đảm bảo dung lượng lưu trữ tối thiểu trong vòng 30 ngày) làm cơ sở, tài liệu giải đáp các kiến nghị, phản ánh của cử tri, người dân.
Tăng cường giám sát hoạt động KTKS làm VLXD trên địa bàn, nắm bắt kịp thời các phản ánh, kiến nghị của nhân dân khu vực mỏ khoáng sản, kịp thời giải quyết kiến nghị ngay từ cơ sở theo đúng thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án tuân thủ pháp luật hoạt động, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền đối với dự án có vi phạm, hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý vi phạm.
Lê Chung
Đình chỉ hoạt động và tước giấy phép các doanh nghiệp vi phạm
Nguyễn Anh Quân
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch bổ sung để phục vụ nhu cầu đất đắp của các dự án. Sau khi phê duyệt sẽ công khai theo quy định. Qua hoạt động thanh tra đã ban hành 86 quyết định xử phạt hành chính các doanh nghiệp vi phạm về lĩnh vực môi trường, đất đai với các sai phạm chủ yếu như: Không lắp đặt camera, không gửi kế hoạch vận hành, nợ quỹ cải tạo phục hồi môi trường, chưa hoàn thiện đầy đủ quy định đất đai khu vực khai thác và khu vực phụ trợ… theo Luật Khoáng sản. Cương quyết xử phạt các đơn vị vi phạm, đình chỉ và tước giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp vi phạm… Thời gian tới, đề nghị các địa phương quan tâm quy hoạch bãi đổ thải, san lấp đảm bảo an toàn cho các hộ dân.
Sớm có ý kiến đối với các mỏ đá đề nghị nâng công suất
Nguyễn Thể Thao
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Liên Sơn, đại biểu HĐND huyện Lương Sơn
Căn cứ Thông báo số 2210/TB-VPUBND, ngày 24/3/2023 của Văn phòng UBND tỉnh thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm tại buổi làm việc, nghe báo cáo một số dự án đầu tư trọng điểm và một số mỏ đá tại huyện Lương Sơn. Về nội dung đề nghị nâng cấp công suất, rút ngắn thời gian khai thác đá đối với 4 mỏ đá tại huyện Lương Sơn, giao các sở, ngành liên quan hướng dẫn các đơn vị có đề xuất nâng công suất khai thác để lập báo cáo chi tiết về tính khả thi thực hiện dự án, sự cần thiết thực hiện, hiệu quả kinh tế - xã hội, tác động, ảnh hưởng môi trường của dự án.
Huyện Lương Sơn đang phấn đấu đến hết năm 2025 trở thành thị xã, gồm các phường: Tân Vinh, Lâm Sơn, Cư Yên, Nhuận Trạch, Hòa Sơn và thị trấn Lương Sơn, trong khi các mỏ đá tại xã Tân Vinh và xã Hòa Sơn phải dừng khai thác vào năm 2035 theo quy hoạch đô thị. Đề nghị các sở, ngành sớm có ý kiến về đề nghị của UBND huyện Lương Sơn về việc thí điểm nâng công suất khai thác đá. Huyện đề nghị các doanh nghiệp nổ mìn bằng công nghệ cao để làm giảm ảnh hưởng đến hộ dân sinh sống xung quanh, giảm chấn động, công nghệ khai thác mới đem lại hiệu quả, rút ngắn thời gian khai thác; thực hiện phục hồi môi trường.