Siết chặt quản lý môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) vẫn đang là vấn đề 'nóng', cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng.

Sức chịu tải về môi trường vượt giới hạn

Khu Công nghiệp Tằng Loỏng có tổng diện tích 1.100 ha, đã thu hút được 33 dự án đầu tư và hiện có 26 dự án sản xuất hóa chất, phân bón, luyện kim đi vào hoạt động. Các dự án được triển khai trong khu công nghiệp đã và đang góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, đồng thời hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về đẩy mạnh chế biến sâu khoáng sản. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, trong đó có ô nhiễm khí thải, nước thải, chất thải rắn, khói bụi, tiếng ồn… đang tác động trực tiếp đến môi trường sống, sản xuất của nhiều hộ quanh khu vực.

Một góc Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Một góc Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Qua đánh giá khả năng chịu tải của môi trường ở Khu Công nghiệp Tằng Loỏng giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho thấy: Hiện nay, tổng lượng phát sinh khí thải từ các ống khói của các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng khoảng 1,7 triệu m3/giờ (thành phần chính gồm SO2, CO, NO2); lượng phát sinh nước thải gần 4,6 nghìn m3/ngày - đêm; lượng phát sinh chất thải rắn gần 305 nghìn tấn/tháng (trong đó có hơn 304 nghìn tấn chất thải rắn, hơn 30 tấn chất thải nguy hại). Đặc biệt, việc xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn từ các nhà máy tại khu công nghiệp do chưa thực hiện triệt để nên nhiều chỉ tiêu đang vượt quy chuẩn cho phép và ở mức “báo động đỏ”.

Qua sử dụng mô hình đánh giá mức độ cộng hưởng và phạm vi ảnh hưởng không khí, 3/6 chỉ tiêu là SO2, NOx, TSP được đánh giá trong phạm vi quy hoạch của khu công nghiệp cho thấy, các chỉ tiêu này vượt quy chuẩn cho phép; một số điểm theo hướng gió chủ đạo khi cộng hưởng có mức độ vượt quá ranh giới quy hoạch, phạm vi ảnh hưởng chạy dọc theo Tỉnh lộ 151 đến khu vực tái định cư Hợp Xuân, toàn bộ thôn 5 của xã Xuân Giao và tổ dân phố số 1, số 2, số 3, số 4, số 7, thôn Cù 1, Cù 2 thuộc thị trấn Tằng Loỏng...

Còn chất lượng nước lấy mẫu từ giếng tại tổ dân phố 2, tổ dân phố 7 của thị trấn Tằng Loỏng cũng cho thấy đang bị ô nhiễm. Chất lượng nước mặt từ nước thải của Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và trên các sông, suối trong khu vực có một số chỉ tiêu vượt ngưỡng so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Nguyên nhân gây ra những hệ lụy về môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng được ngành chức năng chỉ ra cụ thể. Những năm đầu của thế kỷ XXI, khi tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Lào Cai, hàng loạt dự án được xây dựng tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng với thiết bị, công nghệ sản xuất cũng như xử lý môi trường đã lạc hậu. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ (hệ thống giao thông, điện, xử lý nước thải, kiểm soát khí thải, xử lý chất thải rắn); sự cộng hưởng khí thải, chất thải rắn, nước thải từ các nhà máy thải ra môi trường hằng ngày lớn khiến sức chịu tải về môi trường của khu vực Tằng Loỏng luôn vượt giới hạn cho phép; một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Điều đáng nói, những sự cố về ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng trong vài năm gần đây đều do sự chủ quan của doanh nghiệp. Ví dụ như sự cố rò rỉ nước thải tại hồ tuần hoàn của Công ty TNHH Một thành viên hóa chất Đức Giang (tháng 4/2018) và sự cố vỡ đê bao bãi thải gyps thuộc Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem (tháng 9/2018) gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và thiệt hại tài sản của người dân. Cũng qua các đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2018, ngành tài nguyên và môi trường cùng cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện một số cơ sở sản xuất, nhà máy đang hoạt động tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Ngành đã kiến nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 3 công ty là Công ty Cổ phần DAP số 2 Vinachem, Công ty TNHH một thành viên Supe lân Apromaco Lào Cai, Công ty cổ phần Hóa chất Phúc Lâm với tổng số 830 triệu đồng.

Bảo đảm tốt công tác môi trường giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bảo đảm tốt công tác môi trường giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai, việc để xảy ra những sự cố về môi trường là điều đáng tiếc và cũng là bài học để cơ quan quản lý nhà nước siết chặt hơn nữa công tác quản lý. Thời gian tới, ngành sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và cương quyết xử lý đối với những doanh nghiệp chây ỳ không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, thậm chí đề xuất với tỉnh cho dừng sản xuất đối với các nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, đảm bảo sự phát triển bền vững, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, chính sách, môi trường. Do vậy, ngoài những nỗ lực của chính quyền và các sở, ngành chức năng của tỉnh, công tác này cần sự hỗ trợ của các bộ liên quan để đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, khu xử lý chất thải, nước thải tập trung...

Được biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, đến nay đã có 13 công ty, doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Tằng Loỏng lắp đặt 32 trạm quan trắc khí thải tự động, liên tục. Trong đó, 26 trạm được kết nối truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; 6 trạm đang hoàn thiện việc kết nối đường truyền. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã đầu tư gần 7 tỷ đồng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục xung quanh Khu Công nghiệp Tằng Loỏng và xây dựng hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục từ các trạm quan trắc của các nhà máy, qua đó giúp ngành chức năng dần kiểm soát được chất lượng nguồn khí thải ra môi trường.

Mặc dù vậy, công tác bảo vệ môi trường tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các cấp chính quyền, các sở, ngành cần nhiều giải pháp quản lý cụ thể, thiết thực, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của các doanh nghiệp trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/siet-chat-quan-ly-moi-truong-tai-khu-cong-nghiep-tang-loong-z5n20190814073914697.htm