Siết chặt quản lý ngoại hối trong đầu tư dầu khí ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 31/2018 hướng dẫn quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Đây là bước điều chỉnh quan trọng nhằm thích ứng với bối cảnh pháp lý mới, đặc biệt sau khi Nghị định số 132/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2024.

Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt

Thông tư 31, ban hành từ năm 2018, từng là cơ sở pháp lý chủ đạo điều tiết dòng tiền ra vào trong các dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài.

Tuy nhiên, sau sáu năm triển khai, nhiều quy định tại văn bản này đã trở nên lạc hậu trước những thay đổi sâu rộng trong khung pháp lý đầu tư và ngoại hối – đặc biệt là sự ra đời của Luật Đầu tư 2020, Nghị định 124/2017/NĐ-CP, và gần đây nhất là Nghị định 132/2024/NĐ-CP.

Chính những thay đổi này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải cập nhật, điều chỉnh chính sách để đảm bảo tính nhất quán trong quá trình thực thi.

 NHNN đang chỉnh sửa chính sách quản lý ngoại hối cho dòng vốn dầu khí ra nước ngoài. Ảnh minh họa: Bloomberg

NHNN đang chỉnh sửa chính sách quản lý ngoại hối cho dòng vốn dầu khí ra nước ngoài. Ảnh minh họa: Bloomberg

Dự thảo Thông tư mới không chỉ cập nhật kỹ thuật, mà hướng tới tạo hành lang pháp lý đồng bộ giữa các luật đầu tư và ngoại hối, tăng minh bạch, giảm rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Trên tinh thần kế thừa Thông tư 31, dự thảo lần này điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ nhiều nội dung không còn phù hợp, đồng thời làm rõ cách thức triển khai các quy định mới. Dự thảo được xây dựng trên nền tảng pháp lý hiện hành, gồm Luật Đầu tư 2020, Nghị định 132 và các quy định liên quan – nhằm đảm bảo tính hợp pháp và khả thi trong thực tiễn.

Chuyển tiền đầu tư chặt chẽ hơn

Một nội dung đáng chú ý trong Dự thảo là quy định cụ thể về cơ chế chuyển tiền ra nước ngoài và chuyển lợi nhuận, dòng tiền về Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án dầu khí tại nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện chuyển tiền trước đầu tư thông qua một tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép. Sau khi được cấp phép đầu tư, dòng vốn tiếp tục được điều tiết qua tài khoản vốn đầu tư chuyên biệt.

Cách thiết kế này vừa đảm bảo tính minh bạch trong luồng tiền đầu tư, vừa đáp ứng yêu cầu giám sát ngoại hối của cơ quan quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Dự thảo Thông tư không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật, mà còn phản ánh tư duy điều hành ngoại hối chủ động, linh hoạt, gắn chặt với yêu cầu quản lý rủi ro và phát triển bền vững các dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.

Trong lĩnh vực dầu khí đặc thù, với dòng tiền lớn, thời gian hoàn vốn dài, nhiều rủi ro chính trị và biến động thị trường, hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết để đảm bảo hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối và quản lý đầu tư.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/siet-chat-quan-ly-ngoai-hoi-trong-dau-tu-dau-khi-ra-nuoc-ngoai-post850905.html