Siết chặt quản lý SIM chính chủ, cuộc gọi rác vẫn hoành hành

Dù đã hơn 4 tháng siết chặt quản lý thuê bao điện thoại di động, tình trạng cuộc gọi rác vẫn suất hiện, quấy rối người dùng. Theo thông tin của các nhà mạng và cơ quan chức năng, cuộc gọi rác có thể xuất phát từ sim chính chủ đã chuẩn hóa.

Dù đã hơn 4 tháng siết chặt quản lý thuê bao điện thoại di động, tình trạng cuộc gọi rác vẫn suất hiện, quấy rối người dùng. Theo thông tin của các nhà mạng và cơ quan chức năng, cuộc gọi rác có thể xuất phát từ sim chính chủ đã chuẩn hóa và người dùng nên thận trọng bởi có cả các cuộc gọi mang tính chất lừa đảo.

Các nhà mạng ở Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp hướng dẫn khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại.

Các nhà mạng ở Thái Nguyên đã có nhiều biện pháp hướng dẫn khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại.

Anh Nguyễn Văn Việt, 34 tuổi, ở xóm Đồng Hà, xã Thượng Đình (Phú Bình), là một trong những người sớm đến phòng giao dịch của nhà mạng để chuẩn hóa thuê điện thoại di động với kỳ vọng sẽ không bị các cuộc gọi rác mỗi ngày.

Tuy nhiên, đến giờ khi cả nước thống kê đã có gần 1 triệu SIM không được chuẩn hóa bị khóa, anh Việt vẫn tiếp tục bị quấy rối bởi các cuộc gọi rác với tần suất không giảm, trong đó có cả cuộc gọi mang tính chất lừa đảo, dụ dỗ đầu tư tiền để bán hàng trực tuyến.

Anh Việt chia sẻ: Tôi hành nghề buôn bán nông sản, cuộc gọi số lạ đến không thể không nghe vì đó có thể là người dân gọi bán nông sản. Chính vì vậy, tôi không “bỏ lỡ” cuộc gọi rác nào và thấy rất bị làm phiền, thậm chí mất an toàn khi đang tham gia giao thông trên đường cứ phải nhận những cuộc gọi không mong muốn này.

Anh Việt không phải ngoại lệ, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo tìm hiểu nhanh của chúng tôi, có khá nhiều người phản ánh thường xuyên nhận được cuộc gọi rác từ hai tháng trở lại đây.

Anh Nguyễn Tùng, tổ 10, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi còn nhận được cả các cuộc gọi tự động với lời thoại được thu âm sẵn, mình nghe máy là thấy đầu bên kia phát ghi âm quảng cáo nhiều loại dịch vụ. Ngạc nhiên hơn là có cả cuộc gọi rác, quảng cáo mà thông tin cá nhân của mình họ cũng biết.

Theo thông tin từ các nhà mạng, việc chuẩn hóa thuê bao chưa giải quyết hoàn toàn vấn nạn SIM rác. Nhiều SIM rác được kích hoạt sẵn bằng thông tin của người khác và chuẩn, khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư nên vẫn có thể dùng bình thường.

Bên cạnh đó, theo quy định, mỗi người có thể đăng ký tối đa 3 SIM chính chủ trên một nhà mạng viễn thông và với 5 nhà mạng, một người có thể đăng ký 15 SIM số. Chính vì vậy, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra và tình trạng cuộc gọi rác chưa chấm dứt.

Đáng chú ý, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đối mặt với tình trạng kẻ xấu sử dụng trạm thu phát sóng (BTS) giả để phát tán tín hiệu sóng vô tuyến điện, có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn trong một phút với nội dung độc hại hoặc mạo danh để lừa đảo. Đây là một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G) đã được các tổ chức quốc tế phát hiện nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

Đối với Thái Nguyên, từ tháng 4 đến tháng 7-2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các đoàn thanh tra hoạt động của 4 nhà mạng đang hoạt động trên địa bàn.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Qua thanh tra, cả 4 nhà mạng đều cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động quản lý thuê bao di động trên địa bàn tỉnh, có nhiều biện pháp hướng dẫn khách hàng đăng ký đúng thông tin thuê bao, nhân viên được tập huấn đầy đủ…

Riêng Viettel Thái Nguyên, cơ quan chức năng phát hiện 9 thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác; một số trung tâm kinh doanh cấp huyện của nhà mạng này không niêm yết bản công bố trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng không thuộc danh mục thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định. Những vi phạm này dù không nghiêm trọng nhưng Thanh tra Ngành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu Viettel Thái Nguyên kịp thời khắc phục.

Cũng theo ông Đỗ Xuân Hòa, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Cụ thể là chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông tiếp tục chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý cuộc gọi lừa đảo, điều tra và xử lý các BTS giả...

Đồng thời kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai các hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và các giải pháp công nghệ tiên tiến, cung cấp cho người dùng công cụ để chủ động ngăn chặn từ các thiết bị sử dụng hằng ngày...

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ căn cứ vào Nghị định 13/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông để triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202309/siet-chat-quan-ly-sim-chinh-chu-cuoc-goi-rac-van-hoanh-hanh-ded24bd/