Siết chặt quản lý thức ăn liên quan đến bánh mì trên đường phố

Thức ăn liên quan đến bánh mì tiện lợi, giá rẻ ngày càng phát triển nhanh, đa dạng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp siết chặt quản lý bảo đảm an toàn vệ sinh thực thực phẩm.

Nhà ở sát Siêu thị Big C, Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), đã thành thói quen, mỗi sáng, chị Vũ Thị Ngân, ngụ phường 7, quận Gò Vấp đều tranh thủ tới siêu thị mua bánh mì về cho cả gia đình ăn bữa sáng. Chị Ngân, cho hay: “Bánh mì tại Siêu thị Big C có nhiều loại thơm ngon, hợp khẩu vị, giá lại rẻ, an toàn thực phẩm nên luôn được gia đình tôi ưa dùng trong nhiều năm qua”.

Tiệm bán bánh mì có chất lượng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Tiệm bán bánh mì có chất lượng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

Nhiều lần vào Siêu thị Big C, chúng tôi chứng kiến hầu hết người dân vào mua sắm tại Siêu thị Big C khi ra về đều không quên mua bánh mì. Không chỉ tại Siêu thị Big C, Gò Vấp mà các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đều bán nhiều loại bánh mì thơm ngon, giá rẻ và được nhiều người dân tin dùng. Bánh mì trở thành thức ăn hằng ngày quen thuộc của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh.

 Người dân mua bánh mì có chất lượng tại quận Phú Nhuận.

Người dân mua bánh mì có chất lượng tại quận Phú Nhuận.

Bánh được làm sẵn kết hợp chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán nhiều trên các đường phố. Bánh được chế biến với nhiều loại thức ăn khác, như thịt lợn, giò chả, trứng gà, dưa, rau sống, nước tương, ớt… tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày đa dạng của người tiêu dùng. Nhận rõ nhu cầu này, các lò bánh mì ngày càng mọc lên như nấm. Bên cạnh những cơ sở được cấp phép, có chất lượng, an toàn thực phẩm thì thực tiễn vẫn còn có cơ sở làm bánh mì tư nhân tự phát, nhỏ lẻ chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công, kỹ thuật thô sơ, nguyên liệu đôi khi không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, việc bán bánh mì cũng “muôn hình vạn trạng”; từ bán tại cửa hàng kinh doanh cố định uy tín đến những cửa hàng di động, xe đẩy, quang gánh...

Tiệm bán bánh mì chất lượng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận.

Tiệm bán bánh mì chất lượng trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận.

Dạo trên một số tuyến đường, như: Phan Văn Trị, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận)… cứ vài chục mét, chúng tôi lại bắt gặp những tiệm, cửa hàng, xe đẩy bán bánh mì san sát. Nhiều xe đẩy tận dụng mọi vị trí trên các vỉa hè để bán, trong đó không ít nơi bán ở gần khu vực mất vệ sinh, dụng cụ chế biến, thức ăn bảo quản thô sơ, đặc biệt thời tiết mưa, nắng thất thường rất dễ làm thức ăn nhanh ôi thiu.

Bà Võ Thị Mai, bán hàng tại đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, cho hay: “Tôi từ tỉnh Tiền Giang lên đây làm công nhân, song do nhiều tháng qua, việc làm ít, tôi phải tranh thủ làm xe đẩy và những dụng cụ chế biến tạm để bán bánh mì kiếm tiền nuôi hai con đang ăn học”. Đây là những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bánh mì.

Bán bánh mì trên đường phố.

Bán bánh mì trên đường phố.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhận rõ những vấn đề trên, siết chặt quản lý an toàn thực phẩm thức ăn từ bánh mì và liên quan đến bánh mì, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến bánh mì và các thức ăn gắn liền với bánh mì, đặc biệt là việc bán bánh mì trên các tuyến phố”.

Triển khai thực hiện, các ban, ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kiến thức cho người dân trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm. Các trường hợp sản xuất bánh mì không có giấy phép kinh doanh, không đảm bảo kỹ thuật, ngành chức năng kiên quyết định chỉ, xử phạt theo quy định. Từng cơ sở sản xuất, kinh doanh phải cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với ngành chức năng.

Để phổ biến kinh nghiệm sản xuất, chế biến thức ăn từ bánh mì chất lượng, an toàn thực phẩm, mới đây, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ hội “Bánh mì Việt Nam” lần thứ hai tại Công viên Lê Văn Tám, quận 1. Với sự tham gia của hơn 130 gian hàng, các cơ sở, ngành chức năng đã giới thiệu sinh động về lịch sử hình thành và phát triển của bánh mì Việt Nam, quy trình, dây chuyền kỹ thuật, nguyên liệu, gia vị, thiết bị làm bánh mì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và những thương hiệu bánh mì nổi tiếng. Qua đó, các cơ sở giao lưu, trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm làm bánh mì; góp phần quảng bá ẩm thực bánh mì Việt Nam, nâng cao chất lượng chế biến, bảo đảm an toàn, chất lượng trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân và du khách.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/siet-chat-quan-ly-thuc-an-lien-quan-den-banh-mi-tren-duong-pho-781313