Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử, kinh doanh số

Để chống thất thoát thuế của gần 2.000 tổ chức, cá nhân hiện đang tham gia hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh số trên địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Qua đó, góp phần giảm thiểu vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và trốn thuế.

Theo nhận định của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Hà Tĩnh, những năm gần đây, hoạt động thương mại điện tử có chiều hướng gia tăng, nhiều tổ chức, cá nhân đã lựa chọn kinh doanh trên môi trường mạng, kinh doanh số để phù hợp với xu thế phát triển.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Điều này tạo ra nhiều thuận lợi trong giao dịch, song cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng trong việc quản lý khi hầu hết các chủ kinh doanh này đều không có địa điểm cố định dẫn đến khó xác định kho hàng, địa điểm tập kết hàng hóa. Thực tế cho thấy, không ít tổ chức, cá nhân đã lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Đại diện lãnh đạo Cục Thuế Hà Tĩnh cho rằng, hoạt động thương mại điện tử và các hình thức kinh doanh trên môi trường số đang đặt ra những thách thức lớn cho cơ quan quản lý nhà nước, nhất là trong công tác chống thất thu thuế.

Từ năm 2023 đến nay, ngành Thuế cũng đã phối hợp với ngành Công thương và Sở Thông tin truyền thông để triển khai công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng. Qua rà soát, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay có gần 2.000 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử. Lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn các tổ chức, cá nhân này kê khai và nộp thuế. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đã phát hiện và truy thu số tiền thuế, tiền phạt của nhiều tổ chức. Cùng với đó, để siết chặt công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, thời gian qua Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã thành lập Tổ thương mại điện tử để kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm; tịch thu và tiêu hủy hàng trăm sản phẩm là hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm tiêu dùng qua môi trường thương mại điện tử, kinh doanh số của người dân tăng cao, nguy cơ về tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng qua hoạt động thương mại điện tử tăng cao. Để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn này, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành, lực lượng chức năng và các địa phương trong công tác quản lý, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh; có giải pháp công nghệ, kỹ thuật phù hợp để xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong kinh doanh thương mại điện tử. Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 200 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử. Qua đó, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 1,1 tỷ đồng và xử lý hình sự 3 vụ với 21 đối tượng.

Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục tập trung rà soát các địa chỉ của tổ chức, cá nhân thường xuyên có hoạt động giao dịch để tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế; đảm bảo hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra an toàn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/siet-chat-quan-ly-thue-thuong-mai-dien-tu-kinh-doanh-so-i757418/