Siết chặt quy trình xe đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh

Vụ việc cháu bé lớp 1 Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô đưa đón ngày 6-8, gây bức xúc trong dư luận, cho thấy cần phải xem xét lại quy trình xe đưa đón học sinh để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Việc đưa đón học sinh đến trường bằng phương tiện ô tô cần được siết chặt để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Các cơ sở giáo dục cần coi đây là bài học sâu sắc

Sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc, ngày 7-8, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội chia sẻ, đây là một vụ việc nghiêm trọng. Sở GD - ĐT, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn rất lấy làm tiếc về vụ việc này và chia buồn cùng gia đình cháu L.H.L, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Quốc tế Gateway.

“Qua vụ việc này cho thấy cần phải siết chặt lại quy trình xe đưa đón học sinh của các trường phổ thông trong thành phố”, ông Tuấn khẳng định. Ông cũng cho biết, hằng năm, Sở đều có văn bản chỉ đạo phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và đơn vị đào tạo trực thuộc tăng cường công tác bảo đảm an ninh trường học, an toàn giao thông.

Sở yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường. Các trường cũng đồng thời tăng cường kiểm tra công vụ, giám sát nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật việc ra vào trường học.

Ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ thêm, sau vụ việc này, các cơ sở giáo dục nên rút kinh nghiệm sâu sắc, thường xuyên dành 3-5 phút trong các tiết học cuối hằng ngày trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo trẻ các kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hay đơn giản là tuân thủ các quy định về đội mũ bảo hiểm, bảo đảm an toàn trong tham gia giao thông.

Theo ông Tuấn, hiệu trưởng các trường, căn cứ vào phiếu đăng kiểm xe do cơ quan đăng kiểm cấp, cần chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát các phương tiện đưa đón học sinh. Trong những tình huống xảy ra vượt khả năng xử lý, các trường cần báo cáo và phối hợp với cơ quan quản lý trực tiếp để giải quyết.

“Các trường cần thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Học sinh Trường Tiểu học Quốc tế Gateway được đưa đón đến trường trong sáng 7-8.

Với trách nhiệm quản lý trên địa bàn quận Cầu Giấy, nơi xảy ra vụ việc, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, ngay trong sáng cùng ngày, Phòng đã tham mưu UBND quận ban hành văn bản tăng cường công tác an ninh trong nhà trường, trong đó có yêu cầu các xe ô tô đưa đón học sinh phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em.

Ông Phạm Ngọc Anh nêu thêm, trong văn bản quy định về an toàn trường học được ban hành hằng năm đều nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn khi giao nhận, đưa đón học sinh. Mỗi trường với những điều kiện cụ thể có những quy định chặt chẽ riêng.

Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cũng đã có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại phương tiện vận chuyển, đưa đón học sinh. Hiện chưa có quy định riêng với các phương tiện này nhưng trước hết các xe phải đủ điều kiện lưu hành do các cơ quan chuyên môn kiểm định. Để bảo đảm việc đưa đón học sinh an toàn, phải có sự trao đổi giữa nhân viên giám sát xe và phụ huynh học sinh, cũng như sự bàn giao với giáo viên chủ nhiệm lớp.

“Để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc và đau lòng, bắt đầu vào năm học mới, Phòng sẽ rà soát lại một lần nữa và yêu cầu tất cả các trường học trên địa bàn quận thực hiện nghiêm các văn bản, bảo đảm an toàn cho trẻ”, ông Ngọc Anh khẳng định.

Nhân viên giám sát đưa đón phải là người xuống cuối cùng, đi sau cùng

Vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Quốc tế Gateway cũng là bài học cho nhiều trường khác đang tổ chức đưa đón học sinh bằng xe buýt. Bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội) cho biết, trong sáng 7-8, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang thông báo sẽ triệu tập cuộc họp với tất cả các nhân viên lái xe, nhân viên phụ trách đưa đón học sinh để nhắc nhở thực hiện đúng các quy định về bảo đảm an toàn trong đưa đón học sinh, về quy trình làm việc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của từng người, từng việc được giao.

Theo bà Lan, hiện tại hệ thống các cấp học của Trường Marie Cuirie có 130 tuyến xe buýt phục vụ đưa đón học sinh tại 2 cơ sở. Các nhân viên phục vụ đưa đón trên xe luôn được nhắc nhở, giám sát bằng nhiều hình thức để bảo đảm an toàn tối đa cho học sinh, ngay từ những việc nhỏ nhất.

“Khi xuống xe, nhân viên giám sát phải là người xuống đầu tiên, đỡ các con để tránh hụt chân vấp ngã. Tiếp đó, khi các con xuống hết, họ sẽ quay vào bao quát bên trong. Có nhiều con thường quên cặp sách, quần áo hay các dụng cụ khác ở ghế ngồi. Các cô sẽ 'thu dọn' và trao lại cho các con những món đồ bỏ quên”, bà Lan kể.

Cũng theo bà Lan, nhiều cháu nhỏ ngay khi rời tay bố mẹ tại điểm đón, leo lên xe là ngủ ngon trong suốt chặng đường đến trường. Nhân viên quản lý và lái xe cũng muốn các con có thể tranh thủ ngủ thêm, đặc biệt với các học sinh nhà xa, được đón từ sáng sớm. Song, quan trọng nhất là khi đến điểm cuối phải đánh thức học sinh dậy và kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm các con vào trường đầy đủ.

“Cô phụ trách đưa đón phải là người xuống xe cuối cùng, đi sau cùng để kiểm soát học sinh. Có những con còn nhỏ, khi xuống xe vẫn ngủ lơ mơ, các cô phải bế vào trường, bàn giao cho giáo viên chủ nhiệm”, bà Lan nói tiếp.

Kiểm soát bằng lời chào mỗi buổi sớm!

Với kinh nghiệm gần 5 năm đưa đón các học sinh, anh Ngô Duy Quang, phụ trách tuyến xe buýt số 71 của Trường Marie Cuirie cho biết, các bậc phụ huynh nhiều năm qua đã rất yên tâm về trách nhiệm của người cầm vô lăng đưa con em họ từ điểm đón đến trường và từ trường về nhà.

Anh Quang kể, sáng nào cũng vậy, trong hành trình đưa đón học sinh gần 20km với hơn chục điểm đón, anh thường tạo điều kiện để các con có thể ngủ trong vài chục phút. Để kiểm soát, bảo đảm các con lên xuống xe đầy đủ, theo anh Quang, trách nhiệm lớn nhất thuộc về nhân viên giám sát đồng hành trên xe. Tại mỗi điểm đón, họ đều có sự liên hệ chặt chẽ với gia đình. Tại điểm xuống cuối cùng, họ cũng là người bảo đảm để các con xuống xe đầy đủ, an toàn.

Trẻ vẫn thường ngủ gục trên vai phụ huynh trước khi được đưa đến trường.

“Khi đưa các con đến trường, tôi vẫn giữ thói quen chồm người lên và quay lại để chào từng con. Các con chào lại tôi vui vẻ. Tôi muốn giữ nền nếp này để các con ngoan, lễ phép với người lớn và mình cũng bắt đầu công việc một ngày mới thật vui vẻ. Tuy nhiên, đó cũng là cách để tôi có thể kiểm soát tình hình trên xe. Sau khi đưa xe về bãi tập kết, tôi vẫn phải quan sát khắp trong xe một lần nữa trước khi đóng cửa xe”, anh Quang chia sẻ kinh nghiệm.

Từ quyết tâm siết chặt trong quản lý của các cấp lãnh đạo ngành GD-ĐT, kinh nghiệm trong điều hành ở cấp trường hay bài học quý trong giám sát trẻ của người lái xe đều cho thấy, các văn bản quy định đều vẫn nằm trên... giấy. Quan trọng nhất vẫn là ý thức, tinh thần trách nhiệm với công việc của những người có liên quan, bởi chỉ cần sự vô tâm, sao nhãng của một vài cá nhân là có thể dẫn đến những sự việc đau lòng.

Hoa Minh - Ảnh: Minh Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/942138/siet-chat-quy-trinh-xe-dua-don-bao-dam-an-toan-cho-hoc-sinh