Siết chặt từ quy định

Trong công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương, in sao đề thi luôn là khâu được quan tâm nhất.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Từ nhiều năm nay, đề thi hầu hết theo hình thức trắc nghiệm, số trang nhiều; cùng với yêu cầu mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề riêng nên khối lượng công việc này rất lớn. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong khâu in sao có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kỳ thi. Do đó, công tác này đòi hỏi sự chỉn chu, nghiêm cẩn, tỉ mỉ và tập trung cao độ của người được giao nhiệm vụ.

Còn nhớ, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023, đề môn Toán có một dấu gạch ngang của phương trình bị mờ, không liền mạch khiến nhiều học sinh lầm tưởng là dấu âm nên làm nhầm.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, hội đồng ra đề đã phải bổ sung đáp án câu này, chấp nhận cả đáp án của thí sinh nhìn nhầm đề nếu bước giải đúng. Sau sự cố này, Bộ GD&ĐT đã đề nghị địa phương rà soát lại toàn bộ máy móc phục vụ in sao đề; cần thiết đầu tư, bổ sung thêm máy móc mới. Đồng thời, kiểm tra kỹ để tránh sai sót về kỹ thuật in ấn. Vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự trong kỳ thi năm nay.

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đã có một số sửa đổi, bổ sung trong quy chế. Một trong những điểm mới là bổ sung thêm các yêu cầu đối với khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách trong kỳ thi. Trong đó, quy định cụ thể trong quy chế các vòng của khu vực ra đề thi, in sao đề thi, làm phách và nhiệm vụ của các vòng, bảo đảm phù hợp với quá trình triển khai của các cá nhân và đơn vị tham gia tổ chức thi.

Tại các địa phương, triển khai Quy chế thi tốt nghiệp THPT, công tác chuẩn bị, các công đoạn của kỳ thi đang được tích cực thực hiện. Với kinh nghiệm nhiều năm, các sở GD&ĐT đều tính toán, lường trước được khối lượng và độ phức tạp của công việc; từ đó chuẩn bị sớm, lên kế hoạch tỉ mỉ và triển khai thận trọng, đặc biệt không chủ quan.

Từ địa điểm in sao, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, văn phòng phẩm, lựa chọn nhân sự, tập huấn quy chế và nghiệp vụ in sao đến bố trí điều kiện làm việc, ăn nghỉ của cán bộ làm công tác in sao… đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Máy móc được vận hành thử nghiệm trước khi triển khai chính thức để bảo đảm không xảy ra lỗi kỹ thuật, tránh trường hợp đề in ra nhòe, mờ, rách… ảnh hưởng đến chất lượng làm bài của thí sinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trong hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành cả nước về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác in sao đề thi. Lưu ý của Bộ trưởng là phải ưu tiên trang thiết bị nhưng không được phó thác toàn bộ cho thiết bị mà con người cần phải kiểm tra, quan tâm mới đảm bảo các khâu an toàn.

Nếu chỉ thiên về con người, trang thiết bị không chuẩn sẽ không thể thực hiện tốt; tuy nhiên nếu chỉ thiên về trang thiết bị, con người không nắm vững cũng khó. Do đó, cả hai yếu tố này cần phải được chú trọng.

Chủ trương “4 đúng” (đúng quy chế, hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức năng, nhiệm vụ; đúng thời điểm xử lý những tình huống bất thường) và “3 không” (không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực quá mức; không tự ý xử lý những tình huống bất thường) được Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhiều lần nhấn mạnh cũng cần được quán triệt để triển khai tốt nhất khâu in sao đề thi nói riêng và tổ chức kỳ thi năm nay nói chung.

Thảo Đan

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/siet-chat-tu-quy-dinh-post686607.html