Siết chế tài, linh hoạt tài chính, bảo vệ nhóm yếu thế

Thảo luận tại tổ chiều 6/5 về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều ĐBQH tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Thuận) đề xuất tăng cường chế tài, đổi mới cơ chế tài chính theo hướng minh bạch - hiệu quả; đồng thời, xây dựng các chính sách bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương khi tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận cao với việc ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN&ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; kế thừa các quy định trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19.2.2025 của Quốc hội; điều chỉnh các vấn đề thực tiễn phát sinh gắn với bối cảnh khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chóng, tăng cường tối đa nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 3

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đánh giá cao việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đưa hoạt động đổi mới sáng tạo vào khung pháp lý thay vì chỉ giới hạn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ… song, dự thảo hiện còn thiếu cơ chế giám sát và đánh giá rủi ro cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn các điều kiện và quy trình đánh giá rủi ro và đánh giá rủi ro cụ thể, theo hướng xây dựng hướng dẫn chi tiết tiêu chí xác định rủi ro khoa học; thành lập hội đồng độc lập đánh giá rủi ro, để tránh lạm dụng hoặc trốn tránh trách nhiệm; đồng thời, quy định rõ về bảo mật dữ liệu, kiểm soát đạo đức trong AI và giới hạn quyền lực trong thử nghiệm.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận

Về trách nhiệm phổ biến, lan tỏa tri thức khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Đình Gia đề xuất bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này. Đồng thời, bổ sung, quy định rõ việc giảm ưu đãi tài chính từ ngân sách nhà nước, không phê duyệt các nhiệm vụ mới nếu không cập nhật kết quả nghiên cứu trước đó… Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hạ tầng số quốc gia, bao gồm trung tâm dữ liệu, siêu máy tính và nền tảng điện toán đám mây, nhằm phục vụ nghiên cứu và chuyển đổi số hiện đại, đồng bộ, an toàn và bảo mật – đúng tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị cần luật hóa cơ chế trả tiền theo kết quả đầu ra thay vì chi trả theo chi phí đầu vào; đồng thời, đề xuất cho phép thử nghiệm cơ chế quản lý tài chính linh hoạt cho các mô hình sáng tạo mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng xanh. Đại biểu cũng cho rằng, cần tăng tính chủ động và trách nhiệm giải trình cho các tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học, tránh việc kiểm soát chi tiết như thời gian qua.

ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận

Trong khi đó, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) nhận định rằng: các nguyên tắc và chính sách nền tảng trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xây dựng khá bao quát, nhưng vẫn cần bổ sung một số nội dung để tăng tính khả thi và định hướng chiến lược. Cụ thể, cần chính sách hỗ trợ khai thác thương mại và quản lý quyền sở hữu trí tuệ (hỗ trợ pháp lý, tư vấn chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh…); làm rõ chính sách khuyến khích nghiên cứu liên ngành và ứng dụng công nghệ mới…

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết luận phiên thảo luận

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu kết luận phiên thảo luận

Cùng với đó, cần bổ sung chính sách bảo đảm vệ quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương khi tham gia nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; tăng vai trò điều phối của Nhà nước trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Bên cạnh đó, đại biểu cũng nhấn mạnh việc khuyến khích nghiên cứu liên ngành, ứng dụng công nghệ mới và đặc biệt là xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương khi tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ...

Diệp Anh - Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/siet-che-tai-linh-hoat-tai-chinh-bao-ve-nhom-yeu-the-10371526.html