'Siết' đào tạo ngành y dược

Thông tin cậu con trai một người bạn học cùng trung học phổ thông (THPT) vừa nghỉ học sau 2 năm theo học y tại một trường đại học tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhóm bạn chúng tôi bất ngờ. Bởi cách đây 2 năm, cũng vào khoảng thời gian này, chúng tôi đã có mặt tại buổi tiệc chúc mừng cháu vào đại học để học ngành y - một ngành luôn có điểm trúng tuyển cao, rất khó cạnh tranh trong nhiều năm nay.

Nguyên nhân khiến cháu bỏ học càng khiến chúng tôi bất ngờ hơn, đó là vì cháu không theo kịp chương trình học, cảm thấy chán nản, không phù hợp. Mặc dù gia đình đã hết sức động viên, tạo điều kiện nhưng cháu nói rằng, khả năng của mình không thể đáp ứng được chương trình học và nếu tiếp tục theo học sẽ chỉ thêm hao tổn chi phí, thời gian học có thể kéo dài hơn thực tế nhiều lần, ra trường chưa chắc đã vào làm được ở những cơ sở y tế uy tín.

Điểm chuẩn đậu đại học năm cháu trúng tuyển là 19 điểm, chỉ đúng với ngưỡng quy định đảm bảo chất lượng đầu vào ngành y mà Bộ Giáo dục và đào tạo quy định. Cùng khóa với cháu cũng đã có hàng chục bạn phải nghỉ học vì năng lực học tập hạn chế, không theo kịp chương trình đào tạo. Trong số này, có bạn phải thi lại tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển vào ngành khác, có bạn bỏ ngang đi tìm việc làm...

Trước thực trạng điểm đầu vào các ngành sư phạm, y dược của nhiều trường đại học quá thấp, không đảm bảo chất lượng “đầu ra”, nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo đó, tất cả trường đào tạo sư phạm và y dược trong cả nước, kể cả trường công lập lẫn tư thục đều phải chấp hành ngưỡng đảm bảo này. Thí sinh muốn đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm và y dược buộc phải có mức điểm từ ngưỡng quy định. Các trường tùy theo chỉ tiêu và con số đăng ký thực tế để xét tuyển. Trong đó, riêng ngành y, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mấy năm gần đây dao động từ 19-22 điểm.

Thực tế từ công tác tuyển sinh đại học những năm qua cho thấy, các trường đại học công lập có tiếng trong đào tạo ngành y vẫn có điểm chuẩn khá cao, bỏ cách xa ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ Giáo dục và đào tạo từ 5-7 điểm. Mức điểm chuẩn (tùy ngành đào tạo) của Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. luôn ở tốp trên. Không ít ngành điểm trúng tuyển từ 27-29 điểm.

Trong khi đó, ngày càng nhiều trường đại học tư thục mở khối ngành y dược, điểm trúng tuyển chỉ bằng hoặc cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Điều này khiến không ít sinh viên sau một thời gian học tập không theo kịp, buộc phải bỏ học giữa chừng. Số khác, tốt nghiệp ra trường nhưng chất lượng không cao, khó đáp ứng được yêu cầu công việc của các cơ sở y tế trong nước khiến dư luận xã hội lo lắng cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù đã có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành y dược song việc kiểm tra, giám sát từ “đầu vào” lẫn “đầu ra” ở những trường đại học có ngành học này, nhất là ở các trường tư thục cần được siết chặt hơn nữa để tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, chất lượng đào tạo không đảm bảo như hiện nay.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202408/siet-dao-tao-nganh-y-duoc-61048d8/