Siết dạy thêm, học thêm: Giáo viên có thể lách luật, hoán đổi học sinh ở các trung tâm
Một số ý kiến cho rằng, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT siết quy định về dạy thêm học thêm có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường quản lý hoạt động này nhưng thực tế, giáo viên sẽ nghĩ cách lách luật, kéo học sinh ra trung tâm, đổi giáo viên dạy học.
Dừng các lớp dạy thêm tự phát
Nếu như trước đây, giáo viên có thể thoải mái kéo học sinh trên lớp ra ngoài thuê các phòng học hay đưa về nhà để dạy thêm thì kể từ ngày 14/2 tới, việc này sẽ không thể thực hiện.
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Mặt khác, giáo viên trường công lập có thể tham gia dạy thêm ở các trung tâm nhưng không được đứng ra tổ chức, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội nói rằng, chỉ còn ít ngày nữa quy định mới về dạy thêm, học thêm áp dụng vào thực tế. Dù đã được chuẩn bị tâm lý nhưng điều này tác động không nhỏ đến tâm lý của giáo viên.
Trước đây, ngoài thời gian dạy học ở trường, thầy cô có thể dạy thêm ở nhà, ở các trung tâm nhưng với quy định hiện nay nhiều người đã cho dừng hết tất cả các lớp học thêm tự phát.
![Trước thời điểm áp dụng thông tư 29, nhiều giáo viên đã dừng các lớp học thêm tự phát.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_20_51444894/a0bd3b930fdde683bfcc.jpg)
Trước thời điểm áp dụng thông tư 29, nhiều giáo viên đã dừng các lớp học thêm tự phát.
Một vấn đề khó khăn đối với các trường THCS hiện nay đó là thông tư mới hạn chế 3 đối tượng học thêm trong nhà trường không được thu tiền, trong đó có học sinh cuối cấp.
Theo quy định mới, các trường sẽ phải xây dựng kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng học sinh và chi tiền từ ngân sách để trả công cho giáo viên theo tinh thần “động viên” là chính. Tuy nhiên, với nguồn ngân sách chi cho các nhà trường eo hẹp nên khó có thể co kéo, chi trả cho khoản dạy thêm.
“Nếu không tổ chức được việc ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp trong nhà trường, có thể xảy ra tình trạng giáo viên lách luật bằng cách kéo các em ra trung tâm dạy thêm. Giáo viên lớp này có thể đổi học sinh cho giáo viên lớp khác sẽ không vi phạm quy định hiện hành”, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội nói.
Siết nguồn cung, tránh biến tướng
Cũng theo hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình, nhu cầu học tập của con người nói chung và học sinh nói riêng là có thật và cấp thiết nên dù có quy định thế nào thực tế vẫn sẽ diễn ra tình trạng học thêm.
Ví dụ, qua các bài kiểm tra, đánh giá điểm số học sinh chưa được như kỳ vọng, trong khi phụ huynh không có điều kiện, thời gian, năng lực hướng dẫn họ sẽ có nhu cầu tìm thầy cô giáo cho con học thêm, cải thiện thành tích, điểm số.
Thế nhưng với quy định như hiện nay, chỉ có 3 trường hợp được học thêm trong nhà trường, giáo viên không được tự kèm cặp học sinh tại nhà, tại lớp tự mở, điều này có nghĩa nguồn cung bị thu hẹp. Khi đó, tất cả học sinh có nhu cầu học thêm ngoài nhà trường sẽ phải qua trung tâm học thêm. Nếu không quản lý chặt chẽ hoạt động của trung tâm này cũng sẽ dẫn đến những biến tướng hoặc chất lượng không đảm bảo.
Cũng theo hiệu trưởng trường công lập này, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội hằng năm chỉ 60 - 62% em đỗ vào trường công lập với mức độ cạnh tranh khốc liệt, giành tấm vé vào cấp ba, do đó nếu nhà trường không tổ chức ôn thi phụ huynh cũng sẽ đổ xô đi tìm trung tâm học thêm ở ngoài.
Tâm lý của phụ huynh là hơn thua, sợ con mình thua kém “con nhà người ta”, do đó, khó lòng ngồi yên, giảm tải. Chưa kể, một tỉ lệ học sinh không nhỏ hằng năm chạy đua để thi vào trường chuyên, chắc chắn cũng cần tới những lớp học thêm.
Các nhà quản lý trường học cho rằng, hiện nay, khi có nhiều ý kiến khác nhau về những quy định mới siết chặt dạy thêm học thêm thầy cô giáo đã và đang có hai luồng nhận thức, tâm lý khác nhau. Một luồng là phản ứng né tránh, sợ vi phạm quy định và một luồng tâm lý tổn thương, không cần dạy thêm nữa.
“Quy định mới nào cũng cần có hướng dẫn cụ thể và thời gian để đi vào cuộc sống. Các nhà trường cũng cần trao đổi, quán triệt để thầy cô thấu hiểu và thực hiện đúng quy định, tránh bị xử lý đáng tiếc”, hiệu trưởng này nói.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) đã có văn bản gửi các trường học, yêu cầu phổ biến tới giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh các quy định mới về dạy thêm, học thêm đồng thời tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo đúng quy định của thông tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng yêu cầu hiệu trưởng các trường học phải: “Quản lý giáo viên đang giảng dạy tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.
Cụ thể là các việc như, phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm của giáo viên ngoài nhà trường và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.
Khi dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên sẽ phải báo cáo với người quản lý về môn học, địa điểm, hình thức và thời gian dạy thêm. Đó cũng là căn cứ, cơ sở để nhà trường có thể kiểm tra việc dạy học thêm ở ngoài nhà trường.
Như vậy, với quy định mới, kể từ ngày 14/2 tới, giáo viên đang dạy trong các trường công lập nếu vi phạm một trong các điều “cấm” của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Cụ thể, giáo viên không được dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học; không được dạy thêm ở ngoài có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đang giảng dạy trên lớp; giáo viên trường công lập không được tự mở trung tâm dạy thêm, tham gia điều hành, quản lý các lớp dạy thêm.