Siết quản lý mô hình nhị phân: Không thể để doanh nghiệp 'tự công bố' lách luật

Vụ triệt phá đường dây đa cấp nhị phân do Bitney Việt Nam điều hành tại Phú Thọ không chỉ phơi bày các thủ đoạn tinh vi của tội phạm kinh tế, mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc hoàn thiện thể chế, siết chặt hậu kiểm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Các sản phẩm thực phẩm chứa chất cấm bị công an tỉnh Phú Thọ thu giữ. Ảnh: Báo Nhân Dân

Các sản phẩm thực phẩm chứa chất cấm bị công an tỉnh Phú Thọ thu giữ. Ảnh: Báo Nhân Dân

Đây là bài học cảnh tỉnh trong bối cảnh các mô hình kinh doanh trá hình ngày càng lợi dụng sự phát triển của công nghệ số để lan rộng và biến tướng.

Cơ chế "nhị phân" và chiêu thức lôi kéo

Sáng 23/5/2025, Công an tỉnh Phú Thọ đã đồng loạt khám xét trụ sở Bitney Việt Nam tại Việt Trì và nhiều điểm đầu não tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu giữ gần 2 tỷ đồng tiền mặt, ba xe ô-tô hạng sang, 15 điện thoại, 7 máy tính xách tay cùng hơn 41.800 hộp trà Multi Juice. Điều tra ban đầu xác định đường dây này hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố, thu hút gần 200.000 thành viên tham gia (trong đó 107.348 người là công dân Việt Nam). Hệ thống hậu cần, chăm sóc khách hàng và phân phối vận hành 24/7, cho thấy mô hình được tổ chức chuyên nghiệp.

Mô hình kinh doanh của Bitney dựa trên cơ chế "nhị phân", mỗi người tham gia phải đóng "phí kích hoạt" để nhận gói sản phẩm khởi điểm và mời tối thiểu hai người mới. Hoa hồng được tính trên nhánh yếu hơn, với tỷ lệ chiết khấu từ 20% đến 50%, đặc biệt thu hút người thu nhập thấp vì hứa hẹn "thu nhập thụ động".

Trường hợp Bitney cho thấy rõ lỗ hổng trong giám sát và quản lý thị trường bán hàng đa cấp. Dù chưa được cấp phép theo Luật Cạnh tranh năm 2018 và Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp này vẫn công khai tổ chức mạng lưới, phân phối sản phẩm và chi trả hoa hồng, phản ánh cơ chế hậu kiểm chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm tinh vi.

Các sản phẩm chủ lực như Bitney Multi Juice, Lucenta (nhau thai hươu) và Bitney Multi Cream được quảng bá là "thần dược" cho sắc đẹp và sức khỏe. Tuy nhiên, kết quả giám định năm 2022-2023 của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Pasteur Nha Trang, khẳng định Multi Juice chứa Tadalafil – hoạt chất chỉ được dùng khi có kê đơn, hoàn toàn không được phép sử dụng trong thực phẩm chức năng.

Kết quả giám định năm 2022-2023 của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, phối hợp Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và Viện Pasteur Nha Trang, khẳng định Multi Juice chứa Tadalafil – hoạt chất chỉ được dùng khi có kê đơn, hoàn toàn không được phép sử dụng trong thực phẩm chức năng.

Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

Không chỉ lộ rõ sai phạm từ phía doanh nghiệp, vụ việc Bitney còn phơi bày một thực tế đáng lo ngại: người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, thiếu kiến thức pháp lý, do đó dễ trở thành nạn nhân của các mô hình đa cấp biến tướng.

Không ít người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đã rơi vào bẫy tín dụng và đa cấp. Chị Vũ Liên (Tuyên Quang) chia sẻ: "Tôi tưởng đây là cơ hội làm giàu, hóa ra là bẫy kinh tế. Nếu chỉ phát sóng tuyên truyền trên truyền hình hay mạng xã hội thì nhiều người như tôi sẽ không tiếp cận được. Cần đưa các chương trình phổ biến pháp luật đến tận thôn, bản".

Chị Lê Thị Minh, giáo viên một trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, cũng nhận định: "Người dân chưa hiểu rõ về 'tự công bố sản phẩm' hay cơ chế nhị phân. Cần đưa giáo dục pháp luật vào trường học để hình thành kỹ năng tự bảo vệ".

Tình trạng này cho thấy rào cản kiến thức pháp luật đang tạo điều kiện cho các mô hình đa cấp trá hình phát triển. Không chỉ thiếu ở phía người dân, mà cả ở cấp quản lý, sự thiếu kết nối giữa các cơ quan chức năng cũng góp phần làm chậm quá trình xử lý.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội cho rằng: "Cơ quan quản lý đã quá chậm trễ trong chia sẻ dữ liệu liên ngành. Nếu có hệ thống giám sát liên thông giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Công an, các vi phạm đã được phát hiện sớm hơn. Cần thành lập Trung tâm Dữ liệu An toàn Thực phẩm quốc gia để công khai dữ liệu giám định và hỗ trợ kiểm soát hiệu quả".

Bổ sung cho cảnh báo trên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh (Công ty Pháp lý và Truyền thông Việt) đề xuất: "Cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) để theo dõi dòng tiền và hoạt động chi trả hoa hồng, hai yếu tố thường xuyên xuất hiện trong các mô hình lừa đảo tài chính kiểu Ponzi hoặc đa cấp biến tướng".

Có thể thấy, các chuyên gia đều tập trung vào ba nhóm giải pháp cốt lõi: (1) Tăng cường liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; (2) Minh bạch hóa hoạt động cấp phép, giám định sản phẩm; và (3) Ứng dụng công nghệ hiện đại vào giám sát thị trường. Đây là tiền đề quan trọng để phát hiện sớm mô hình trá hình, giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng.

Từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), nhấn mạnh: "Mọi cam kết lãi suất từ 30%/năm trở lên đều thiếu cơ sở pháp lý. Doanh nghiệp đa cấp cần công khai hợp đồng, báo cáo tài chính kiểm toán và quy trình hoàn tiền để bảo vệ quyền lợi người tham gia".

Trong khi đó, Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) cho rằng: "Chưa có hệ thống giám sát tập trung, liên thông giữa các cơ quan chức năng khiến công tác cảnh báo và xử lý vi phạm còn chậm trễ, thiếu chủ động". Ông đồng thời đề xuất thành lập Quỹ an toàn đa cấp ở cấp tỉnh, do Hội Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Công thương quản lý, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân ngay sau khi có kết luận thanh tra, đồng thời răn đe các doanh nghiệp vi phạm.

Những ý kiến trên cho thấy một thực tế rõ ràng: cơ chế "tự công bố" hiện nay đang bị lợi dụng, trong khi công cụ hậu kiểm lại chưa theo kịp. Điều này đòi hỏi không chỉ hoàn thiện khung pháp lý, mà còn cần một hệ sinh thái quản lý đồng bộ, từ dữ liệu, công nghệ cho đến trách nhiệm liên ngành.

Cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường giám sát công nghệ

Sự việc Bitney ngang nhiên hoạt động trái phép với gần 200.000 người tham gia là minh chứng rõ ràng cho những lỗ hổng trong hậu kiểm và cấp phép. Đây là lời cảnh báo cấp thiết về yêu cầu siết chặt hệ thống pháp lý hiện hành.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Hải khẳng định: "Đợt triệt phá đường dây đa cấp 'nhị phân' gần 200.000 thành viên tại tỉnh Phú Thọ cho thấy sức mạnh của pháp luật và quyết tâm của cơ quan chức năng. Song để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này, chúng ta cần đồng bộ bốn nhóm giải pháp:

(1) Hoàn thiện khung pháp lý về bán hàng đa cấp và an toàn thực phẩm, buộc doanh nghiệp đăng ký minh bạch và bảo đảm ký quỹ;

(2) Ứng dụng dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI) trong giám sát giao dịch, kịp thời phát hiện mô hình trái phép;

(3) Công khai danh sách cấp phép và kết quả hậu kiểm sản phẩm trên cổng thông tin nhà nước;

(4) Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới tận thôn, bản để người dân nhận diện và tự bảo vệ trước chiêu thức lừa đảo".

Chỉ khi Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ trách nhiệm, thị trường đa cấp mới thực sự minh bạch, lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích quốc gia.

Công điện số 72/CĐ-TTg của Thủ tướng đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, hàng giả:

Ngày 24/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 72/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, sĩ quan tiếp tay hoặc bảo kê cho tội phạm kinh tế; hợp tác chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong giám sát từ cơ sở.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố, trực thuộc Trung ương tiếp tục phát động, tăng cường chỉ đạo các lực lượng, đơn vị chức năng đẩy mạnh đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục đẩy mạnh đợt tấn công cao điểm sôi động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực hơn nữa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; đồng thời, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sỹ quan có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, hoàn thành trong tháng 5/2025; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý ngay một số hạn chế, bất cập của Luật An toàn thực phẩm theo kiến nghị của các bộ, ngành, nhất là kiến nghị của Bộ Công an tại văn bản số 1977/BCA-C01 ngày 13/5/2025, hoàn thành trước ngày 5/6/2025, bảo đảm trình Quốc hội trong tháng 6/2025.

Các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường đưa tin về những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; kịp thời biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương; phê phán, lên án những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hậu quả...

THÙY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/siet-quan-ly-mo-hinh-nhi-phan-khong-the-de-doanh-nghiep-tu-cong-bo-lach-luat-post882131.html