Siết quảng cáo trên môi trường mạng

Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, báo chí, còn trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo

Chiều 25-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Lo ảnh hưởng trẻ em

Phát biểu về việc quảng cáo trên mạng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho biết hiện việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, kể cả trẻ em.

Trong khi đó, quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, quảng cáo trên mạng rất đa dạng, gồm cả các nội dung nhạy cảm, thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.

Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy định đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp.

Như vậy, với thời gian 6 giây, người sử dụng mạng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đề nghị quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.

Cùng quan điểm, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng vấn đề bảo vệ trẻ em trước quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội, vẫn còn nhiều khó khăn, do đó cần quy định chi tiết hóa các nội dung quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; cùng nhau xây dựng các tiêu chuẩn chung về quảng cáo nhắm vào trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới.

Theo ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An), hiện chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, báo chí, còn trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện, xử lý, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng. Vì vậy, đề nghị bổ sung các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) phát biểu thảo luận ở hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) phát biểu thảo luận ở hội trường Ảnh: Lâm Hiển

Bảo vệ người tiêu dùng là yêu cầu lớn

Thảo luận, một số ĐB cho rằng quy định người nổi tiếng khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm sức khỏe phải chứng minh đã sử dụng là khó khả thi và không phù hợp. Dự thảo quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về hoạt động quảng cáo của mình cho cơ quan chức năng. Với các sản phẩm liên quan sức khỏe, người có ảnh hưởng phải cam kết đã trực tiếp sử dụng sản phẩm và cung cấp những thông tin chân thật, khách quan về sản phẩm đó.

Cụ thể, ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) bày tỏ việc yêu cầu người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo là "chưa phù hợp". Dù mục đích để ràng buộc trách nhiệm người làm quảng cáo nhưng với mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thì "cần xem xét về cơ địa, thói quen sinh hoạt, ăn uống, khí hậu vùng miền". Hơn nữa, mối quan hệ giữa người đại diện và nhãn hàng, cơ sở sản xuất - kinh doanh được ràng buộc bởi các điều khoản hợp đồng cụ thể. Một cá nhân có thể đại diện cho nhiều nhãn hàng khác nhau. Việc đánh giá chất lượng sản phẩm nên giao cho các tổ chức, cá nhân có chuyên môn, độc lập.

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) cũng cho rằng người chuyển tải quảng cáo chỉ có nhiệm vụ truyền đạt thông tin, không thể thay thế doanh nghiệp trong việc bảo đảm chất lượng.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết so với luật hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng.

"Việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là một yêu cầu lớn" - Bộ trưởng khẳng định và cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý, làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp, nền tảng mạng xã hội mà quảng cáo được đăng tải; nghiên cứu thêm cơ chế bảo vệ người tiêu dùng nhưng vẫn bảo đảm phù hợp điều lệ quốc tế và hội nhập.

Ngày 26-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2024. Biểu quyết thông qua các luật: Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Công chứng (sửa đổi)...

Nên để báo chí quyết định diện tích quảng cáo

Về quảng cáo trên báo in, tạp chí, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo và nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo trên báo in, tạp chí (trừ cơ quan báo chí đặc thù) theo nhu cầu của bạn đọc và sự điều tiết của thị trường.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL khẳng định đây là ý kiến rất được quan tâm, sẽ tiếp thu xem xét trong bối cảnh hiện nay, nhất là thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, trong đó có sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Bộ VH-TT-DL sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi của cơ quan báo chí, đồng thời không ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng sản phẩm quảng cáo.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/siet-quang-cao-tren-moi-truong-mang-196241125205505999.htm