Siết tín dụng ngoại tệ, hiệu quả đã hiện hữu
Các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đang chuyển dần sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, thay vì vay - mượn như trước do tỷ giá ổn định và chính sách siết dần hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Chuyển từ quan hệ vay - gửi sang mua - bán USD
Đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất da giày ở Bình Dương cho biết, trước đây, Công ty thường vay vốn bằng ngoại tệ để nhập nguyên liệu và dùng ngoại tệ thu về từ các đơn hàng xuất khẩu để trả nợ vay cho ngân hàng. Việc vay ngoại tệ có lợi hơn vay bằng tiền đồng, nhất là trong những giai đoạn tỷ giá biến động mạnh trước đây.
Nhưng thời gian gần đây, khi chính sách kiểm soát linh hoạt tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tác động tích cực lên ổn định tỷ giá, doanh nghiệp trên bắt đầu chuyển sang vay tiền đồng để mua ngoại tệ phục vụ cho việc nhập nguyên liệu. Mặt khác, do chính sách siết tín dụng ngoại tệ của NHNN nên doanh nghiệp không còn vay được nhiều vốn bằng USD, buộc phải mua ngoại tệ từ ngân hàng.
Vay vốn bằng USD là một trong những giải pháp được doanh nghiệp xuất nhập khẩu lựa chọn, bởi lãi suất thấp, giảm thiểu chi phí, rủi ro biến động tỷ giá. Tuy nhiên, NHNN khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng theo hướng chỉ tập trung cho vay đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong trung dài hạn, NHNN theo đuổi mục tiêu chống đô-la hóa nền kinh tế. Những năm qua, NHNN đã có những đợt gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế trong ngắn hạn. Hiện lãi suất cho vay bằng ngoại tệ chỉ bằng 1/2 so với lãi suất cho vay VND.
Thậm chí, nhiều tổ chức tín dụng hiện nay cho vay ngoại tệ lãi suất chỉ khoảng trên 2%/năm, nhưng kỳ hạn vốn vay ngoại tệ lại chủ yếu ngắn hạn, đáp ứng các nhu cầu thu gom nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu nên tính an toàn trong tương quan giữa hai đồng tiền được đảm bảo.
Cho vay ngoại tệ được xác định tiếp tục trong ngắn hạn, ít nhất triển khai trong năm nay, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn định hướng chung và lâu dài của ngành ngân hàng vẫn hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển từ quan hệ vay - mượn sang mua - bán.
Chủ trương của NHNN trong thời gian tới là sẽ tiếp tục chọn lọc đối tượng vay ngoại tệ, dù vẫn gia hạn cho vay ngoại tệ. Đồng thời, lãi suất huy động USD vẫn kiên định giữ mức 0% nhằm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Hồi cuối năm 2018, Thống đốc NHNN đã ký ban hành Thông tư số 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2019.
Theo NHNN, việc ban hành trên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Tại thông tư này, các tổ chức tín dụng được cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay (quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019); cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay.
Các tổ chức tín dụng được cho vay trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Quy định này thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, mục tiêu của NHNN là hạn chế, chốt lại các nhu cầu vay ngoại tệ trung, dài hạn từng bước trong thời gian tới. Thông tư mới quy định cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất - kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Đi kèm quy định trên, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng doanh nghiệp vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.
Chống tình trạng đô la hóa
Trên thực tế, dù áp lãi suất 0%/năm, song huy động vốn bằng ngoại tệ của các nhà băng vẫn tăng. Số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra cuối năm qua cho thấy, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 15% so với năm 2017. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng khoảng 14,3%, trong khi huy động bằng ngoại tệ tăng khoảng 17%, gấp hơn 8 lần tốc độ tăng trưởng năm 2017 (2,1%). Tỷ trọng vốn ngoại tệ nhờ đó tăng lên 9,9% tổng vốn huy động.
Vì thế, NHNN tiếp tục nhấn mạnh định hướng lâu dài, chuyển dần quan hệ vay - gửi ngoại tệ sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.
Theo NHNN, trước đây, do lạm phát luôn ở mức cao nên tình trạng đô-la hóa của Việt Nam ở mức báo động cần kiểm soát. Lượng tiền gửi ngoại tệ so với tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2007 - 2011 ở mức trên 20%, thậm chí đầu những năm 1990 còn ở mức 30 - 40%.
Đồng thời, hiện tượng mua bán, thanh toán và găm giữ ngoại tệ tiền mặt khá phổ biến, chênh lệch tỷ giá giữa thị trường chính thức và phi chính thức ở mức cao tạo áp lực lớn cho thị trường ngoại hối chính thức và ảnh hưởng không nhỏ đến điều hành tỷ giá và tiền tệ của NHNN, quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh.
Sự bất ổn về tỷ giá và thị trường ngoại hối trong giai đoạn này, theo NHNN, là một trong những nguyên nhân gây nên sự bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Trước thực trạng đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, NHNN đã đưa ra gói giải pháp đồng bộ để ổn định thị trường ngoại hối, kiểm soát kỳ vọng tỷ giá và nâng cao vị thế đồng Việt Nam, trong đó có chính sách trần lãi suất tiền gửi USD ở mức 0%.
Từ sau khi áp dụng chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm (thể hiện qua tỷ lệ đô-la hóa giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,21% thời điểm 31/12/2017), hệ thống tổ chức tín dụng chuyển từ bán ròng sang mua ròng ngoại tệ từ năm 2016, tạo điều kiện cho NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra hồi đầu năm nay, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã mua thêm hơn 6 tỷ USD trong cả năm 2018 để tăng dự trữ ngoại hối.
Trước đó, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Lê Minh Hưng đã công bố con số dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên tới 63,5 tỷ USD đến tháng 6/2018. Đây là con số dự trữ ngoại hối kỷ lục của Việt Nam tại thời điểm đó. Về cơ bản, chính sách lãi suất tiền gửi USD 0%/năm không tác động bất lợi đến các luồng vốn vào như FII, FDI và kiều hối. Luồng vốn vào ổn định và có sự tăng trưởng khả quan qua các năm. Kiều hối về Việt Nam trong năm 2018 đạt mức cao.
NHNN khẳng định, để thu hút được nguồn lực không phải VND vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND đóng vai trò then chốt. Khi VND có giá trị ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi thì các nhu cầu tích trữ dự phòng tài sản bằng ngoại tệ, vàng sẽ giảm và nhu cầu đầu tư sẽ tăng lên. NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao vị thế VND, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.