Siết tín dụng tiêu dùng: Khó đẩy lùi tín dụng đen
Chủ trương và mục tiêu đưa ra hiện nay là phát triển hoạt động tín dụng chính thức xuống vùng sâu, vùng xa để giúp người dân hạn chế tiếp cận tín dụng phi chính thức. Vì vậy, khi điều chỉnh các chính sách cho vay với lĩnh vực tiêu dùng cũng cần hài hòa các mục tiêu vừa kiểm soát được hoạt động cho vay, vừa đảm bảo sát thực tiễn mới hy vọng mang lại lợi ích cả về kinh tế và hiệu quả xã hội.
Tín dụng “đen” có cơ hội bùng phát trở lại
Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) có một số nội dung đáng lưu ý và được cho là có xu hướng siết chặt hoạt động của CTTC. Điều này cũng có nghĩa sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức của người dân, càng tạo điều kiện cho tín dụng “đen” phát triển.
Theo đó, dự thảo quy định CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Đồng thời, CTTC phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (cho vay tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC. Lý do là vì theo NHNN, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời điểm dự thảo thông tư sẽ được ban hành và có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu dự thảo với các điều khoản giữ nguyên được thông qua thì ngành cho vay tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn, giảm hiệu quả của chính sách “sử dụng tín dụng tiêu dùng chính thức để đẩy lùi tín dụng đen”.
Quả thực, những thay đổi theo chiều hướng trên có thể cản trở mục tiêu dùng tín dụng chính thức để đẩy lùi tín dụng “đen” mà chính NHNN đang nỗ lực thúc đẩy, thông qua những giải pháp mà một trong số đó chính là việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng của CTTC, nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bởi thực tế, những người vướng vào tín dụng “đen” thường là người có nhu cầu vay tiền mặt ngay, chứ không phải là người vay tiền để mua hàng hóa và dịch vụ, nên nếu siết lại việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay của CTTC thì người dân càng buộc phải tìm đến tín dụng “đen” để giải quyết nhu cầu vay nóng cấp bách của họ.
Như vậy, siết việc cho vay tiêu dùng của các CTTC thì chủ trương chống tín dụng “đen” sẽ càng khó thành hiện thực, vì chúng ta đã tự hạn chế sự phát triển của một công cụ quan trọng để chống tín dụng “đen”, trong khi chỉ còn công cụ đáng kể khác là tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, điểm đáng chú ý khác đó chính là quy định chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại CTTC đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của CTTC và không có nợ xấu có thể hạn chế hơn nữa vai trò của CTTC trong việc chống tín dụng “đen” như chủ trương trên.
Thực tế, những người phải tìm đến tín dụng “đen” thường là những người không thể tiếp cận được ngân hàng hay thậm chí là CTTC. Nếu NHNN buộc CTTC loại bỏ những đối tượng vay tiềm năng này thì rõ ràng họ chỉ còn cách tiếp cận tín dụng “đen”.
Nếu khống chế CTTC cho vay tiền mặt?
Xét ở góc độ mục đích sửa đổi Thông tư, những điểm mới trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho CTTC, đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Quy định này hỗ trợ việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng. Tuy nhiên, dù những điểm này được đề xuất nhằm mục đích tốt nhưng lại không hợp lý. Khi khách hàng đến vay, CTTC đã xét khả năng trả nợ, đồng thời kiểm tra đến việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Khi CTTC thỏa mãn các yêu cầu đó và thấy người này không có nợ xấu, có khả năng trả nợ thì theo quy định của dự thảo, các CTTC có thể giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt không quá 30% tổng dư nợ.
Việc hạn chế giải ngân bằng tiền mặt sẽ không hỗ trợ tín dụng tiêu dùng, trong khi đó nền kinh tế Việt Nam đang cần “sự chống đỡ” từ sự phát triển của tiêu dùng. Một số nhu cầu về tiêu dùng phải để cho khách hàng tùy chọn cách sử dụng. Nếu giới hạn tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của CTTC sẽ không phù hợp.
Nếu CTTC bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì có thể họ sẽ đẩy các khách hàng này vào trường hợp đi vay tín dụng “đen” để phục vụ cho chi phí, nhu cầu nóng. Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết tín dụng “đen” nếu chúng ta có trần khống chế 30%.
Thực tế hiện nay, dư nợ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt cũng chiếm phần lớn trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của các CTTC. Như vậy, nếu quy định mới theo dự thảo được thông qua, ngành cho vay tiêu dùng sẽ chứng kiến một sự giảm tốc rõ rệt, nhất là những công ty tập trung cao vào cho vay tiền mặt với khách hàng cá nhân.
Trong khi đó, ở bất cứ trường hợp nào, các tổ chức cung ứng vốn cũng phải xét đến chuyện người vay có khả năng trả nợ hay không, kiểm tra việc người vay dùng số tiền này để làm gì. Muốn tín dụng tiêu dùng góp phần giảm thiểu tín dụng “đen” thì hơn ai hết là các tổ chức tín dụng, CTTC phải đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng.
NHNN, Chính phủ nên khuyến khích các CTTC mở rộng đối tượng cho vay, mở rộng quy trình vay, xét cho vay một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn, tất nhiên cũng phải trong khuôn khổ luật pháp, khuôn khổ quản trị rủi ro của các doanh nghiệp.
Kiểm soát tín dụng tiêu dùng để hạn chế rủi ro là cần thiết, trong dự thảo cũng có rất nhiều điểm tiến bộ, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của NHNN đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng nói chung và hoạt động của CTTC nói riêng.
Xét ở góc độ mục đích sửa đổi Thông tư, những điểm mới trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, cho CTTC, đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng không nên chỉ vì mục đích một nền kinh tế phi tiền mặt mà hạn chế tín dụng tiêu dùng, tạo cơ hội cho tín dụng “đen” bùng phát trở lại. Mặt khác, chúng ta biết rằng, trong một nền kinh tế, GDP chịu tác động tích cực bởi chỉ số tiêu dùng, nếu cho vay tiêu dùng phát triển, sẽ hỗ trợ đắc lực cho phát triển nền kinh tế qua sức cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên.