Siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng: Giảm động lực tham gia thị trường của nhà đầu tư ngoại

Trao đổi với Báo Đầu tư, các luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam cho rằng, siết tỷ lệ sở hữu ngân hàng là không cần thiết, ảnh hưởng đến tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, làm giảm động lực của nhà đầu tư ngoại.

Hạn chế sở hữu cổ phần: Tác động lớn đến cổ đông hiện hữu

Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sẽ được trình và dự kiến thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Tại kỳ họp vừa qua, một trong các nội dung của dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau là việc siết giảm tỷ lệ sở hữu tổ chức tín dụng.

Trong bản Dự Thảo gần nhất, tỷ lệ sở hữu tối đa mà một cá nhân được phép sở hữu trong các tổ chức tín dụng (TCTD) là công ty cổ phần được đưa trở lại mức 5%, giống với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng hiện hành. Riêng tỷ lệ sở hữu của tổ chức được điều chỉnh từ 15% xuống còn 10%, tỷ lệ sở hữu của cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống còn 15%.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Việc đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông trong tổ chức tín dụng (TCTD) là công ty cổ phần nhằm hạn chế sự chi phối của cổ đông đối với hoạt động của TCTD, cũng như một số các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn mà TCTD là một phần trong đó.

Theo bà Phạm Thị Thúy Vân, Luật sư cấp cao Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam và ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ có tác động lớn đến các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là các cổ đông chiến lược. Cụ thể, các cổ đông sẽ phải tìm phương án để đáp ứng được quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, và vì thế tác động lớn đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của chính cổ đông đó. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các cổ đông chiến lược trong quản trị nội bộ của TCTD, các cổ đông chiến lược sẽ cần phải tìm phương án để có thể thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông của TCTD khi tiến hành biểu quyết. Xét một cách toàn diện, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần phải cân nhắc tính ổn định của các cổ đông hiện hữu, và phải được đánh giá tác động một cách tổng thể.

Trên thực tế, dù có điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong TCTD là công ty cổ phẩn, và dù Dự Thảo cũng dự liệu trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một TCTD thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, Dự Thảo cần phải xử lý câu chuyện cốt lõi là làm sao để kiểm soát được các trường hợp một cổ đông gián tiếp sở hữu một TCTD thông qua một doanh nghiệp mà cổ đông đó có quyền chi phối, hoặc một cá nhân có quyền chi phối ở một tổ chức khác. Thay vì phương án giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc bổ sung thêm quy định về chi phối nhằm đánh giá toàn diện tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông, bao gồm cả cơ sơ để tính tỷ lệ sở hữu gián tiếp của cổ đông.

Việc giữ nguyên tỷ lệ sở hữu cá nhân với tổ chức tín dụng ở mức 5% là phù hợp, bởi sẽ có những bất cập nếu mức tỷ lệ sở hữu bị điều chỉnh giảm xuống 3% như đề xuất tại các bản dự thảo trước đó. Cụ thể, bên cạnh vấn đề liên quan đến sở hữu gián tiếp như đề cập ở trên, đối với các ngân hàng là công ty đại chúng, công ty niêm yết theo Luật Chứng khoán 2019, mức sở hữu của một cổ đông để thực hiện nghĩa vụ báo cáo là 5%.

Trong trường hợp quy định giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 3%, việc này sẽ gián tiếp tác động tới tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bởi lúc này, các cổ đông có thể thực hiện giao dịch mua đi bán lại ở các mốc 1% mà có thể không rơi vào trường hợp phải báo cáo giao dịch của cổ đông lớn như đang được quy định tại pháp luật về chứng khoán. Hơn nữa, việc giảm tỷ lệ sở hữu sở hữu của cổ đông cá nhân xuống 3% sẽ không cần thiết, nếu xét đến việc tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân tại Việt Nam là thấp so với một số quốc gia tại châu Á như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Nhìn chung, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ giảm động lực cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam, dẫn đến việc hạn chế nguồn vốn đầu tư cũng như việc tiếp nhận kinh nghiệm của các định chế tài chính nước ngoài có tên tuổi trên thị trường tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Một cách tổng quát, nhằm hạn chế việc chi phối của một cổ đông đối với hoạt động của một TCTD là công ty cổ phần, như đã đề cập ở trên, cần có một cơ chế và các tiêu chí xác định mức độ chi phối của cá nhân đó trong một doanh nghiệp mà gián tiếp tác động lên hoạt động của TCTD (ví dụ, cổ đông đó sở hữu bao nhiêu phần trăm tại doanh nghiệp đang nắm cổ phần của TCTD, hoặc thẩm quyền của một cá nhân tại doanh nghiệp đó mà có thể chi phối hoạt động của doanh nghiệp đó). Ngoài ra, vai trò của NHNN là đặc biệt quan trọng trong việc ban hành các biện pháp cần thiết để giám sát, kiểm soát và hạn chế hành vi lợi dụng quyền chi phối, hoặc việc sử dụng nhiều cá nhân, pháp nhân có liên quan đến nhau (dù trực tiếp hay gián tiếp) nhằm thao túng hoạt động của các TCTD.

Giảm giới hạn cấp tín dụng - Nên hay không?

Cùng với vấn đề siết tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là nội dung được đặc biệt quan tâm tại Dự thảo Luật, thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đề xuất tại Dự thảo, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đồng thời, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiện đang là 15% và 20%).

Giảm giới hạn cấp tín dụng áp dụng đối với một khách hàng, về mặt lý thuyết, sẽ hạn chế việc các ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện "dồn" vốn vay quá nhiều đối với một hoặc một số cá nhân hoặc tổ chức. Vốn vay của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do đó sẽ được trải rộng ra cho các đối tượng khách hàng và tránh nguy cơ tập trung nợ xấu đến từ một khách hàng cụ thể đối với ngân hàng.

Ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Ông Nguyễn Viết Trung - Luật sư Công ty Luật Baker McKenzie Việt Nam

Tuy nhiên, hoạt động cho vay là hoạt động chủ yếu của gần như tất cả các NHTM. Dù sau này có nhiều hình thức huy động vốn cũng như nhiều hoạt động kinh doanh khác phát triển hơn, và mỗi ngân hàng sẽ có chiến lược riêng cho từng loại hình, thì xuất phát điểm của một NHTM vẫn là hoạt động cho vay. Việc giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ càng làm cho hoạt động của các NHTM trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh mức lãi suất ở các ngân hàng hiện vẫn đang ở mức thấp.

Hơn nữa, đứng ở góc độ bên đi vay, việc giảm giới hạn này cũng có tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm sao để tính toán nguồn vốn một cách hiệu quả nhất. Đặt trong bối cảnh kể từ sau đại dịch Covid-19, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình hoạt động. Vì thế, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ phần nào tác động đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp/bên đi vay.

Trong trường hợp bên đi vay cần nguồn vốn vay lớn để thực hiện thực hiện các dự án lớn, việc giảm giới hạn cấp tín dụng như quy định tại Dự thảo có thể dẫn đến các cấu trúc vay phức tạp hơn và tốn thời gian hơn, chi phí vay cao hơn thông thường để có thể thu xếp được khoản vay với sự tham gia từ các các ngân hàng khác nhau, trong đó có cả các tổ chức tài chính, ngân hàng nước ngoài.

Với một số bất cập về việc giảm giới hạn cấp tín dụng như đã nêu ở trên, và trên cơ sở tình hình kinh doanh khó khăn cũng như nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, Nhà nước nên cân nhắc một giải pháp hài hòa, ví dụ, như các Đại biểu Quốc hội đã đề xuất tại phiên họp, quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong một khoảng thời gian nhất định nhằm giảm thiểu tác động.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng quản lý rủi ro tín dụng bằng các cơ chế về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay, cũng sẽ góp phần đạt được một nền tín dụng an toàn, thay vì “đánh” thẳng vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, cụ thể là việc giảm giới hạn cấp tín dụng.

Thùy Liên (ghi)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/siet-ty-le-so-huu-ngan-hang-giam-dong-luc-tham-gia-thi-truong-cua-nha-dau-tu-ngoai-d204561.html