Siêu anh hùng châu Á đầu tiên của Marvel quan trọng đến mức nào?
Bài viết của tác giả Jeff Yang cho rằng sự xuất hiện của bộ phim 'Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings' chứng minh việc người Mỹ gốc Á ngày càng được công nhận.
Zing trích dịch bài ý kiến của Jeff Yang đăng trên New York Times giải thích về tác động của Lưu Tư Mộ cùng bộ phim Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings. Jeff Yang từng biên tập sách về siêu anh hùng Secret Identities và Shattered. Ông cũng là đồng tác giả cuốn sách Rise: A Pop History of Asian America From the Nineties to Now sắp xuất bản.
Khi tôi và nhiều bạn bè đồng trang lứa (đều là người Mỹ gốc Á) lớn lên, chúng tôi khao khát được nhìn thấy những nhân vật châu Á trên màn ảnh. Mỗi khi thấy hình ảnh đó, chúng tôi sẽ thét lên, hoặc gọi gia đình đến xem một ngôi sao châu Á đang đóng phim hoặc quảng cáo.
Chúng tôi sẽ tìm kiếm thông tin của những người nổi tiếng, thậm chí cố gắng tìm ra nguồn gốc châu Á của những tài tử, minh tinh nổi tiếng. Thật bất ngờ, Phobes Cates mang trong mình một nửa dòng máu châu Á.
Bây giờ, người châu Á ngày càng được xem trọng, điển hình là việc Marvel phát hành bộ phim Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings. Đây là bộ phim bom tấn, kinh phí lớn đầu tiên của Mỹ kể về nhân vật siêu anh hùng là người châu Á.
Người châu Á không được xem trọng
Bộ phim do Lưu Tư Mộ, ngôi sao mang hai dòng máu Canada - Trung Quốc, đóng chính. Bộ phim là sự kết hợp giữa võ thuật cổ điển Trung Quốc và công nghệ kể chuyện hiện đại của Hollywood.
Trước khi chính thức trở thành siêu anh hùng Shang-Chi, nhân vật được gọi là Shaun và sống khép kín giống với nhiều người gốc Á khác. Bộ phim sẽ tái hiện những thứ đúng với thực tế - người châu Á không dám thể hiện bản thân khi sống trên đất Mỹ. Chúng tôi được cha mẹ khuyên là “cái đinh mọc lên rồi cũng bị đóng xuống”. Họ khuyến khích các con ngụy trang văn hóa, tránh nổi bật để khỏi bị tấn công bởi những kẻ phân biệt chủng tộc.
Và khi Shang-Chi chính thức trở thành siêu anh hùng, những người gốc Á cuối cùng có cơ hội chứng minh rằng họ không cần phải sống khép mình mãi mãi. Đối với người Mỹ gốc Á - những người chống lại lời khuyên của cha mẹ, không chịu thu mình lại - sự xuất hiện của anh hùng Shang-Chi là lời bác bỏ thỏa đáng cho những lời cảnh báo trước đó.
“Đừng cao giọng. Đừng thu hút sự chú ý. Không trở nên quá nổi bật”. Một mặt, đây là lời khuyên của nhiều phụ huynh chỉ muốn tốt cho các con. Trên thực tế, đó lại là chân lý gây ra nhiều hậu quả không lường trước được. Bởi từ lâu, người gốc Á luôn bị chèn ép, thậm chí không dám khẳng định nguồn gốc dân tộc và làm mai một nó.
Trong quá trình thực hiện phỏng vấn cho cuốn sách sắp xuất bản nói về lịch sử người Mỹ gốc Á, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều nhà báo cùng cộng đồng. Điều đáng ngạc nhiên là họ tránh đưa tin về những người Mỹ gốc Á chỉ vì sợ bị xếp vào nhóm “dân tộc thiểu số”.
Tôi cũng nghe một số tác giả người Mỹ gốc Á phản đối việc đưa các nhân vật người Mỹ gốc Á vào tiểu thuyết. Họ không dám đối mặt sự thật người gốc Á không được xem trọng. Những ngôi sao mang trong mình dòng máu châu Á cũng cho rằng họ chỉ là “vai phụ” trong những bộ phim và thậm chí ngoài đời thực. Từ lâu, họ kỳ vọng được bình đẳng, nhưng điều đó gần như xa vời.
Sự trỗi dậy của người châu Á
Shang-Chi không phải là nhân vật chính châu Á đầu tiên mà chúng ta thấy trên màn ảnh. Nhưng với tư cách là siêu anh hùng của thương hiệu điện ảnh bom tấn như Marvel, Shang-Chi sẽ thay đổi nhiều thứ. Ngày nay, các siêu anh hùng có mặt ở khắp nơi. Các diễn viên bước ra từ Marvel đều có cơ hội bứt phá thành sao hạng A và có tầm ảnh hưởng nhất định.
Tôi mong Shang-Chi có mặt trên mọi diễn đàn, thiết bị và nền tảng, có sức ảnh hưởng xã hội. Bộ phim sẽ mở ra bước tiến mới của một trong những series thành công nhất lịch sử điện ảnh toàn cầu.
Ngoài sự trỗi dậy của Shang-Chi, nhiều anh hùng châu Á hơn sẽ xuất hiện trên màn ảnh. Sau Shang-Chi sẽ là Sersi (Gemma Chan đóng) và Kingo (Kumail Nanjiani) trong Eternals, Iman Villani đóng vai Ms. Marvel trong The Marvels... Xu hướng tuyển chọn diễn viên của các nhà làm phim đảm bảo rằng một thế hệ người Mỹ gốc Á trẻ tuổi có cơ hội thể hiện bản thân mình, tiến lên phía trước, được công nhận trên màn ảnh và cả ngoài xã hội.
Phần còn lại của thế giới cũng vậy. Một điều quan trọng hơn cả, trước khi người châu Á được coi là anh hùng, họ phải xem chúng ta là con người và phải có quyền bình đẳng.
Việc chứng minh điều đó liên quan trực tiếp đến sự sống còn. Trong quá trình dài của lịch sử, người Mỹ gốc Á đã thấy những hậu quả nghiêm trọng của việc tuân thủ và “tàng hình”. Chúng ta bị bóc lột, loại trừ, tấn công khi sống khép kín.
Ngày nay, điều đó lần nữa tiếp diễn khi Covid-19 ập đến. Đại dịch đã tiếp tay cho sự thù địch, bài trừ người gốc Á trên đất Mỹ. Sự bạo lực vì thế tiếp diễn, tiếp tục đẩy người gốc Á vào những tổn thương.
Với tôi, một cảnh trong Shang-Chi đã ghi lại một cách hoàn hảo lý do sự xuất hiện của bộ phim lại quan trọng và kịp thời đến vậy. Trong phim, Shang-Chi bất ngờ tung ra một loạt các động tác chiến đấu mãn nhãn sau khi bị phục kích bởi những tên côn đồ ở San Francisco tấn công trên xe buýt.
Câu hỏi “Bạn là ai?” từ người bạn thân Katy đối với Shang-Chi là câu hỏi cần giải đáp với cả những người Mỹ gốc Á khác trong cuộc sống. Không còn là vỏ bọc Shaun, Shang-Chi dần đối mặt với nguồn gốc châu Á của mình và dám đứng lên chống lại cái ác. Những người khác trên xe buýt đứng dậy xin chụp ảnh cùng và xem Shang-Chi là người hùng.
Shang-Chi cũng giống chúng ta. Họ ngưỡng mộ vì anh ấy thể hiện con người thật. Không phải tất cả chúng ta đều xứng đáng có được điều đó hay sao?