Siêu bão bủa vây: 'Dấu vân tay của biến đổi khí hậu'
Theo trang tin của Liên Hiệp Quốc UN News, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo việc 4 cơn bão mạnh làm nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tan hoang chỉ trong khoảng 10 ngày qua là dấu vân tay của biến đổi khí hậu.
Trong đó, Ian và Noru đã trải qua các đợt tăng sức mạnh bất thường ngay trước khi đổ bộ vào Mỹ và Philippines (rồi Việt Nam), xảy ra gần như nối tiếp bão Fiona gây lũ lụt chết người khắp vùng Caribe và trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Canada, cùng với Namadol khiến 9 triệu người Nhật Bản phải sơ tán.
WMO nhắc nhở rằng biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm tăng tỉ lệ các xoáy thuận nhiệt đới lớn trên toàn cầu đồng thời tăng lượng mưa lớn liên quan đến các sự kiện này. Mực nước biển dâng cao và sự phát triển của các cộng đồng ven biển cũng làm trầm trọng thêm lũ lụt.
"Những tác động về con người và kinh tế của những cơn bão này sẽ được cảm nhận trong nhiều năm" - Giám đốc Bộ phận Dịch vụ công và giảm thiểu rủi ro của WMO Cyrille Honoré cảnh báo.
Ước tính 3 triệu người Cuba đã bị ảnh hưởng bởi Ian, thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, sản lượng đậu và thuốc lá, sập lưới điện toàn quốc. Noru đã ảnh hưởng nặng nề đến hơn 2 triệu người Philippines trước khi ập vào Việt Nam (bão số 4).
Hôm 29-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Ian có thể là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Florida, gây ra số người chết đáng kể, sau khi NBC News đưa tin đã có 10 người chết, CNN cho là 17 người, còn các đội cứu hộ vẫn vật lộn trong đống đổ nát ven biển, nơi hình ảnh cho thấy du thuyền, nhà cửa ngổn ngang.
Hôm 30-9, Ian tăng sức mạnh trở lại và tiến về phía South Carolina khiến Tổng thống Biden phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Ngoài nỗ lực chống biến đổi khí hậu, WMO nhấn mạnh các cảnh báo sớm và chính xác là chìa khóa để hạn chế thương vong trong một tương lai chắc chắn thường xuyên có thiên tai.
Tổng Thư ký WMO Pettteri Taalas cho biết họ sẽ mở rộng quy mô hành động đối với các hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng khả năng chống chịu ở các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Báo cáo tuần trước từ Văn phòng Giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên Hiệp Quốc đã xoáy vào châu Á - Thái Bình Dương, là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất thế giới, chiếm 31% số sự kiện, 47% thiệt hại nhân mạng và 31% thiệt hại kinh tế do thảm họa thời tiết, khí hậu và nước toàn cầu.