Siêu bão Noru hướng vào miền Trung, tuyệt đối không được chủ quan lơ là
Chiều 25-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai với các bộ ngành Trung ương liên quan, các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận để triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông và sẽ trở thành cơn bão số 4 trong năm nay.
Theo các bản tin của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 25-9, bão Noru đã mạnh dần lên cấp 15, giật cấp 17, cách đảo Lu-dong (Philipines) khoảng 250 km về phía Đông.
Sau khi đổ bộ vào Philippines, đến đêm 25, rạng sáng 26-9, bão sẽ vào biển Đông, khu vực biển quần đảo Hoàng Sa có cường độ cấp 12-13, giật cấp 16. Dự báo thời điểm bão mạnh nhất (cấp 13, giật cấp 16) trên biển Đông vào ngày 27-9. Từ chiều 27-9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Huế - Quảng Ngãi. Khả năng cao khi vào gần bờ, cường độ bão Noru vẫn giữ cấp 12-13. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4.
Đây là cơn bão rất mạnh, đạt đến độ siêu bão, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Việc thực hiện các biện pháp ứng phó đang được các địa phương triển khai.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa, từ đêm 27-9 đến ngày 2-10 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã ban hành công văn, công điện triển khai đến các cấp, các ngành thực hiện các phương án phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với thiên tai theo địa bàn và lĩnh vực được phân công.
Tính đến 9 giờ ngày 25-9, Thanh Hóa có 6.513 tàu cá với trên 23.000 lao động đã vào neo đậu tại các bến, còn lại 330 phương tiện với trên 1.600 lao động đang hoạt động ở vùng biển Thanh Hóa và các tỉnh đều đã nắm được thông tin về bão Noru và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương liên quan chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, không chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão mạnh, có thể giật cấp 17 - cường độ mạnh nhất trong nhiều năm gần đây nên vô cùng nguy hiểm. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải nghiêm túc vào cuộc, tuyệt đối không được chủ quan mất cảnh giác. Tất cả phải tạm dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, chỉ đạo ứng phó từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh; kịp thời triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị phương tiện, phương án dự trữ lương thực thực phẩm đề phòng tình huống các vùng bị chia cắt.
Trước mắt, các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo thu hoạch cây trồng, hải sản để giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ; rà soát và có phương án bảo đảm an toàn cho hệ thống hồ chứa; lên phương án và thời gian cấm biển phù hợp ngay trong ngày 26-9…
Các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường thời lượng tuyên truyền để Nhân dân, các cơ quan, tổ chức nhận thức đây là cơn bão có cường độ không giống bình thường, chủ động giải pháp phòng tránh thiệt hại. Tất cả phải lên các phương án chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có tình huống và khắc phục nhanh hậu quả của bão và mưa lũ sau bão.