'Siêu dự án' 25.000 tỷ chấn động Lâm Đồng
Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, người vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi nhận hối lộ được xác định có liên quan tới siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.
Dự án hơn 25.000 tỷ đồng này từng bị Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi nhưng một năm sau đó Thanh tra Chính phủ lại đề nghị tiếp tục cho giãn tiến độ thực hiện dự án sau khi lập tổ công tác xem xét các kiến nghị của chủ đầu tư…
Siêu dự án chiếm gần 3.600 ha
Siêu dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Khu đô thị Nam Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 cho Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh). Vốn điều lệ của công ty khi đó là 300 tỷ đồng, gồm 7 cổ đông sáng lập, trong đó có Công ty TNHH thương mại Phương Nam sở hữu 273.000 cổ phần, chiếm 91% và 6 cổ đông khác, chiếm 9%.
Dự án bao gồm khu đô thị trung tâm (biệt thự Davos), khu biệt thự đa năng, đảo xanh và khu ven hồ. Đất công trình công cộng gồm công trình trung tâm, dịch vụ công cộng, văn hóa giáo dục, thương mại - dịch vụ - tài chính, khu nghỉ dưỡng khách sạn… Ngoài ra, dự án này còn có công viên là rừng nguyên sinh, vườn hoa thế giới, khu bảo tồn thiên nhiên… trên diện tích lên tới 3.595 ha, xuyên qua các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, thuộc huyện Đức Trọng. Vị trí gần nhất của dự án cách TP Đà Lạt khoảng 50km về phía Nam.
Tổng nguồn vốn đầu tư cho siêu dự án này được giới thiệu lên tới 25.243 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Theo tiến độ đầu tư, Khu đô thị Nam Đà Lạt được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2018.
Tuy nhiên, tới nay những gì chủ đầu tư làm được không đáng kể so với khối lượng công trình đồ sộ của siêu dự án này. Sau hơn 12 năm, Công ty Sài Gòn Đại Ninh mới chỉ đầu tư xây dựng được một số tuyến đường giao thông nội bộ, một hội trường diện tích 600m2, một hội trường phần thô, 15 căn nhà “chuyên gia” dạng chòi nhưng vẫn chưa hoàn thiện…
Dù vậy, chủ đầu tư cho biết, giá trị đầu tư vào dự án này đã lên tới 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 9% tổng nguồn vốn đầu tư. Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã để xảy ra quá nhiều sai phạm liên quan tới công tác quản lý, bảo vệ rừng, gây thiệt hại lớn về lâm sản. Cụ thể, chủ đầu tư đã để rừng bị phá, lấn chiếm rừng hơn 368ha (bị phá 257 ha, bị lấn chiếm 111 ha).
Dự án chậm tiến độ so với chứng nhận đầu tư nhiều năm. Công ty chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước... Chính vì vậy, tại Kết luận thanh tra 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty Sài Gòn Đại Ninh.
Thực hiện đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tiến hành các thủ tục để thu hồi dự án này. Tuy nhiên, tháng 10/2020, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có nhiều đơn xin cứu xét tới các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Lâm Đồng.
Trong đơn, công ty này cho rằng, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ khi tiến hành thanh tra dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt đã làm việc “quá nguyên tắc”, chỉ dựa vào báo cáo của các cơ quan chức năng, chưa tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, không tạo điều kiện để doanh nghiệp giải trình… do đó đã dẫn tới kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt thiếu khách quan, đẩy doanh nghiệp tới nguy cơ phá sản.
Thay đổi kết luận thanh tra để “mở đường” cho doanh nghiệp
Ngày 1/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra quyết định lập tổ công tác để xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh. Tổ công tác gồm ông Lê Quốc Khanh, Phó Cục trưởng Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ trưởng), ông Hoàng Văn Xuân, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ phó), ông Nguyễn Nho Định, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng.
Theo quyết định này, tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh về việc đề nghị các cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp tiếp tục triển khai siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt. Cho chủ đầu tư phục hồi thực hiện nghĩa vụ tài chính và giãn tiến độ thực hiện dự án.
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác Thanh tra Chính phủ với Công ty Sài Gòn Đại Ninh và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, ngày 30/6/2021, Thanh tra Chính phủ đã ra Kết luận 1033/KL/TTCP về việc sửa đổi một số nội dung tại Kết luận Thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Quyết định do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị: “UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền hướng dẫn Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô được duyệt. Trường hợp công ty vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định”.
Cũng trong khoảng thời gian này, Công ty Sài Gòn Đại Ninh có thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, công ty đề nghị thay đổi người đại diện theo pháp luật là bà Phan Thị Hoa, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị sang ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970), chức danh Tổng giám đốc. Tới thời điểm này, cổ đông chi phối Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã chuyển sang ông Nguyễn Cao Đức (chiếm 51% cổ phần).
Ông Nguyễn Cao Đức và ông Nguyễn Cao Trí là hai anh em ruột. Ông Trí được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành và đã đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Ông từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group), như Giám đốc đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (1999 - 2005), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các cơ quan chức năng tiếp tục cho thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn Đại Ninh được UBND tỉnh Lâm Đồng cho giãn tiến độ 24 tháng. Cụ thể, từ quý I đến quý IV/2022: đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 và xây dựng một số hạng mục chính của Khu A (Levender Bay) và Khu D (Davos Hill), thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tổng vốn triển khai 1.000 tỷ đồng. Quý I/2023 đến năm 2024: đầu tư hoàn thiện Khu A (Levender Bay) và Khu D (Davos Hill) và một số hạng mục khác.
Từ khi được chấp thuận cho tiếp tục triển khai dự án theo đề nghị tại Kết luận 1033/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng và các Sở, Ngành liên quan đã thường xuyên đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện đối với các hạng mục đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thực tế thì từ năm 2018 tới nay, Công ty Sài Gòn Đại Ninh không triển khai thêm hạng mục công trình nào khác. Siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt với tổng nguồn vốn lên tới hơn 25.000 tỷ đồng vẫn nằm “án binh bất động”.
Các hạng mục đã đầu tư xây dựng trước đó bị bỏ hoang phế, xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Không những vậy, công ty này còn đang liên quan tới vụ án mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh là một trong bốn thành viên của tổ công tác (gồm ông Lê Quốc Khanh, Phó Cục trưởng Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ trưởng); ông Hoàng Văn Xuân, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ (tổ phó); ông Nguyễn Nho Định, thanh tra viên Cục 2, Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Ngọc Ánh) được Thanh tra Chính phủ lập nên để kiểm tra, rà soát lại những kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh sau khi có Kết luận 929/KL-TTCP, đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt. Kết quả của việc lập tổ xem xét những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp là dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt được tiếp tục gia hạn, giãn tiến độ thực hiện thay vì yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án như trước đó.