Siêu tàu sân bay Gerald Ford của Mỹ sẽ 'mất điện' nếu gặp tên lửa siêu thanh Nga?
Tàu sân bay Gerald Ford là một mẫu hạm cồng kềnh và đắt đỏ của Mỹ. Tuy nhiên, khả năng chiến đấu của nó đang bị hoài nghi, đặc biệt khi Nga đã ra mắt tên lửa siêu thanh Zircon với sức tấn công vượt trội.
Từ giữa những năm 1990, siêu mẫu hạm Gerald Ford được phát triển để thay thế cho tàu sân bay USS Enterprise (CVN-65). Đây là mẫu tàu sân bay được khởi công đóng vào năm 2005, và hạ thủy vào năm 2013.
Gerald Ford là chiến hạm lớn nhất thế giới. Lượng choán nước của tàu hơn 100.000 tấn, chiều dài 337m, chiều rộng 78m, chiều cao 76m. Tàu có hai lò phản ứng hạt nhân, mỗi lò có công suất 700 megawatt (MW). Vận tốc của tàu đạt 30 hải lý/h (tương đương 56km/h), thời gian hoạt động độc lập trên biển không hạn chế, nhưng 3 tháng phải tiếp lương thực một lần.
Tàu sân bay Gerald Ford có thể mang theo gần 100 máy bay, ví dụ như tiêm kích F/A 18E/F Super Hornet, máy bay tàng hình F-35, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay trinh sát E-2D Hawkeye, máy bay vận tải C-2 Greyhound, cùng các loại máy bay trực thăng và máy bay không người lái khác.
Thủy thủ đoàn gồm 4.500 người. Theo kế hoạch, tàu sân bay Gerald Ford phải được đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, công tác kiểm tra đã phát hiện tàu sân bay Gerald Ford không có khả năng chiến đấu. Ngay từ lần hạ thủy đầu tiên đã bộc lộ những khiếm khuyết, để khắc phục được chúng chỉ có một cách duy nhất là thiết kế lại hoàn toàn con tàu, đặc biệt là hệ thống hãm điện từ và hệ thống phóng máy bay điện từ.
Theo công suất thiết kế của hệ thống hãm điện từ là 1.600 máy bay, thực tế chỉ hãm được 25 chiếc. Công suất thiết kế của hệ thống phóng điện từ là 4.000 máy bay, thực tế chỉ phóng được 400 chiếc.
Ngoài ra, thiết bị nâng máy bay và hệ thống radar trên tàu cũng không đạt theo yêu cầu của hội đồng nghiệm thu.
Ngày 31/5/2017, tàu sân bay Gerald Ford được biên chế cho Hải quân Mỹ. Hàng loạt vấn đề nảy sinh ngay sau đó như ổ bi chịu lực của trục chân vịt bị vỡ, hệ thống truyền lực của lò phản ứng hạt nhân gặp trục trặc, đến nỗi Hải quân Mỹ phải điều tàu kéo để đưa tàu sân bay Gerald Ford về căn cứ.
Chi phí cho việc khắc phục sự cố của tàu sân bay Gerald Ford đã đẩy trị giá của nó lên tới 13 tỷ USD. Đây thực sự là con số không nhỏ đối với ngân sách quốc phòng của Mỹ.
Điều này khiến giới quan sát hoài nghi rằng liệu Mỹ có cần đến một hàng không mẫu hạm cồng kềnh và đắt đỏ đến vậy không?
Trong khi đó, Nga đã ra mắt tên lửa siêu thanh mới, biến tàu sân bay Gerald Ford trở thành mục tiêu quá đơn giản đối với loại tên lửa này.
Dự kiến năm 2022, Hải quân Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Zircon có tốc độ gần Mach 9 (1 Mach gần bằng 1.200km/h), với tốc độ này, tên lửa siêu thanh Zircon có thể chọc thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tầm bắn của Zircon của Nga vượt xa bán kính hoạt động của các loại tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Thiếu tướng về hưu của Nga Vladimir Bogatyrev cho biết: “Từ khắp đại dương trên thế giới, tên lửa siêu thanh Zircon có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào. Việc đánh chặn là điều không thể, vì tốc độ siêu thanh cộng với tính năng cơ động linh hoạt của tên lửa Zircon khi tiếp cận mục tiêu. Tên lửa siêu thanh Zircon có thể biến mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trở nên vô dụng”.
Trước bối cảnh đó, giới phân tích Mỹ ngán ngẩm nhận định: “Tình hình như thế này, chắc không có tàu sân bay nào của Mỹ không bị Zircon của Nga khoan thủng”.