Siêu thị Mỹ, Trung Quốc bị phạt nặng vì tăng giá rau, thịt trong dịch

'Thay vì đảm bảo người dân mua được hàng, nhiều đơn vị kinh doanh lại tính giá cắt cổ', Văn phòng Tổng Chưởng lý New York (Mỹ) chỉ trích hành động trục lợi mùa dịch.

Khi số ca nhiễm virus tăng mỗi ngày, cùng với lo ngại về các hạn chế ngày càng thắt chặt, người dân thường đổ xô mua thực phẩm tươi sống cùng xu hướng tích trữ các mặt hàng thiết yếu khác.

Tâm lý đó làm xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu. Đồng thời, nhiều đơn vị kinh doanh lợi dụng tình hình để tăng giá bán lẻ hàng hóa bất hợp lý. Hành vi này bị chỉ trích là vô đạo đức trong lúc xã hội gặp khó khăn.

Trên thế giới, không ít trường hợp các siêu thị, nhà bán hàng bị xử phạt nặng vì bán cao hơn giá niêm yết hay cố tình đẩy giá lên cao gấp nhiều lần nhằm trục lợi, kiếm lời trong mùa dịch.

 Tận dùng nhu cầu mua hàng tích trữ tăng cao, nhiều cửa hàng, siêu thị trên thế giới bán sản phẩm với mức giá cao hơn giá niêm yết. Ảnh: AP.

Tận dùng nhu cầu mua hàng tích trữ tăng cao, nhiều cửa hàng, siêu thị trên thế giới bán sản phẩm với mức giá cao hơn giá niêm yết. Ảnh: AP.

Giá rau bị đội lên 5-8 lần

Khi dịch Covid-19 làm điêu đứng Vũ Hán cùng nhiều thành phố khác tại Trung Quốc, mối đe dọa về giá cả tăng vọt đối với rau và các mặt hàng thiết yếu khiến các nhà chức trách phải siết chặt giám sát các siêu thị.

Theo WSJ, vào tháng 2 năm ngoái, tại một chi nhánh trong chuỗi siêu thị Carrefour ở Thượng Hải, giá rau diếp tăng gấp 8 lần, còn giá bắp cải tăng gấp 5 lần.

Cơ quan Giám sát Thị trường của thành phố xử phạt siêu thị này 2 triệu NDT (286.000 USD) và yêu cầu hạ giá rau. Sau đó, giá rau diếp giảm còn 1,99 NDT cho 0,2 kg, gần bằng với mức giá bình thường.

Tháng 3/2020, siêu thị Food Fair La Gran Marqueta ở thành phố Paterson (bang New Jersey, Mỹ) đóng phạt 5.250 USD vì vi phạm quy định bảo vệ người tiêu dùng do thống đốc bang Phil Murphy ban hành trong mùa dịch Covid-19, theo Tap into Paterson.

Theo Tổng chưởng lý bang New Jersey Gurbir Grewal, một hộp ngũ cốc Cheerios ở siêu thị này có giá từ 7,5 đến 9,2 USD, cao hơn 10% so với giá trước khi bang này tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trước đó, hơn 1.400 khiếu nại về việc tăng giá trong mùa dịch, liên quan tới 900 doanh nghiệp được gửi đến cơ quan tiêu dùng của bang.

 Siêu thị Carrefour ở Thượng Hải. Ảnh: WSJ.

Siêu thị Carrefour ở Thượng Hải. Ảnh: WSJ.

"Chúng tôi có quan điểm cứng rắn chống lại việc nâng giá quá mức và các hành vi lạm dụng người tiêu dùng khác trong lúc dịch lan rộng. Hầu hết doanh nghiệp tuân theo pháp luật nhưng vẫn có những bên lợi dụng cuộc khủng hoảng sức khỏe này. Họ sẽ bị xử phạt nặng tay", thống đốc Murphy nói trong họp báo sau đó.

Luật chống tăng giá tiêu dùng tại bang New Jersey có hiệu lực từ ngày 9/3 năm ngoái. Theo đó, giá các mặt hàng bị cấm tăng từ 10% trở lên, tính trong lúc tình trạng khẩn cấp đang thiết lập và vẫn có hiệu lực trong 30 ngày sau khi kết thúc.

"Chúng tôi cam kết xem xét và điều tra mọi khiếu nại để đảm bảo các đơn vị kinh doanh làm ăn có trách nhiệm và tránh hành vi vô đạo đức khi mà nhiều người dân New Jersey đang gặp khó khăn", Paul Rodríguez, người đứng đầu cơ quan quản lý tiêu dùng của bang, cho biết vào thời điểm đó.

Tính giá cắt cổ người tiêu dùng

Không chỉ thực phẩm, các mặt hàng cá nhân hạn chế virus lây lan như khẩu trang, nước rửa tay, quần áo bảo hộ cũng bị thổi giá trong khoảng thời gian nước Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới.

Tháng 3/2020, Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng và người lao động thành phố New York phạt 37.500 USD đối với một cửa hàng thuốc vì bán 20 chiếc khẩu trang với giá 200 USD.

Tháng 11/2020, ba đơn vị bán hàng trên trang Amazon cũng bị chính quyền thành phố New York xử phạt sau khi cố tình bán nước rửa tay với giá cao, theo CNBC.

Các mặt hàng phòng vệ như khẩu trang, kính chắn giọt bắn bị đẩy giá lên cao vào khoảng thời gian dịch lây lan rộng tại Mỹ. Ảnh: Ebay.

Các mặt hàng phòng vệ như khẩu trang, kính chắn giọt bắn bị đẩy giá lên cao vào khoảng thời gian dịch lây lan rộng tại Mỹ. Ảnh: Ebay.

“Trong tháng 2 và 3, các nhà bán hàng như Mobile Rush, EMC Group và Northwest-Lux đã bán hơn 1.000 chai nước rửa tay trên trang Amazon với mức giá cao bất thường. Thay vì đảm bảo khách hàng có thể bảo vệ mình trước virus, các doanh nghiệp này tính giá cắt cổ”, Văn phòng Tổng Chưởng lý New York thông báo.

Văn phòng này cho hay những bên vi phạm đã phải đóng 52.000 USD tiền phạt và bồi hoàn lại 23.000 USD cho người tiêu dùng.

Tương tự, vào thời điểm dịch bùng phát ở Trung Quốc dẫn đến nhu cầu khẩu trang bị đẩy lên, tình trạng giá tăng phi mã cũng xảy ra.

Tháng 1 năm ngoái, một cửa hàng ở thủ đô Bắc Kinh bị cơ quan quản lý thị trường thành phố phạt 3 triệu NDT vì bán khẩu trang với giá cao gấp 6 lần giá niêm yết. Theo ABC News, để mua một hộp khẩu trang 3M, người dân cần bỏ ra 850 NDT, thay vì 143 NDT như trước.

Phạt tù

Trước bối cảnh nhiều đơn vị kinh doanh trục lợi nhờ đẩy giá sản phẩm trong đại dịch, chính quyền tại nhiều nơi phải nhanh chóng đưa ra các biện pháp ngăn chặn và răn đe mạnh tay.

 Dòng người đứng xếp hàng vào mua đồ ở Hong Kong. Ảnh: AP.

Dòng người đứng xếp hàng vào mua đồ ở Hong Kong. Ảnh: AP.

Ở Canada, một số tỉnh, bang ban hành luật quản lý khẩn cấp, cho phép chính quyền ấn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, chất khử trùng vệ sinh cá nhân hay thuốc không kê đơn, theo Which UK.

Tại tỉnh Ontario, cá nhân bị kết tội có thể đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 500.000 CAD và ngồi tù 1 năm, trong khi các doanh nghiệp có thể bị phạt 10 triệu CAD.

Ngày 23/3/2020, cựu Tổng thống Trump ban hành luật mới, cấm tích trữ và bán lại các loại hàng thiết yếu với mức giá cao hơn giá thị trường. Ở cấp tiểu bang, những người bán trực tuyến, bên bán trung gian hay các cửa hàng truyền thống có hành vi độn giá do các tổng chưởng lý giải quyết.

Ngoài ra, để ngăn chặn tình hình thổi phồng giá, một nhóm gồm 33 tổng chưởng lý ở các bang đã thúc giục phía Amazon mạnh tay hơn trong việc kiểm soát giá của các nhà bán hàng trên nền tảng này.

Theo thông báo của Amazon, 1 triệu đơn mua hàng bị chịu mức giá cao đã bị xóa, cùng với đó là hàng chục nghìn người bán bị tạm dừng hoạt động vào đầu năm ngoái.

Tại Australia, nếu bị phát hiện trục lợi trên các mặt hàng thiết yếu, người bán háng sẽ bị cảnh sát yêu cầu giao nộp hàng hóa. Mức phạt cao nhất cho lỗi này là 5 năm tù giam và bị phạt 63.000 AUD.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sieu-thi-my-trung-quoc-bi-phat-nang-vi-tang-gia-rau-thit-trong-dich-post1241060.html