Siêu trăng xanh rằm tháng 7: Ở Việt Nam xem được lúc mấy giờ?

Siêu trăng rằm tháng 7 này, còn được gọi là siêu trăng xanh hay siêu trăng cá tầm là sự kiện khá hiếm gặp và đến 2037 mới lặp lại.

Dịp rằm tháng 7 (đêm 19/8, rạng sáng 20/8 theo giờ Việt Nam) năm nay, người đam mê thiên văn học trên khắp thế giới sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên văn khá kỳ thú, gọi là siêu trăng xanh. Mặt trăng sẽ xuất hiện lớn hơn và sáng hơn khoảng 1/7 vào đêm nay khi hai hiện tượng trăng xanh và siêu trăng diễn ra đồng thời.

Đây là hiện tượng siêu trăng đầu tiên trong 4 siêu trăng liên tiếp sẽ diễn ra từ giờ đến cuối năm, theo CNN.

Lần gần nhất sự kiện Mặt trăng tương tự xảy ra là vào tháng 8/2023, và siêu trăng xanh tiếp theo được dự đoán sẽ diễn ra vào tháng 1 và tháng 3/2037. Khoảng 1/4 trong số tất cả các lần trăng tròn là siêu trăng, trong khi chỉ có 3% các lần trăng tròn là trăng xanh.

Siêu trăng xanh diễn ra vào năm ngoái, quan sát từ Sydney (Australia). (Ảnh: AAP)

Siêu trăng xanh diễn ra vào năm ngoái, quan sát từ Sydney (Australia). (Ảnh: AAP)

Sở dĩ gọi là siêu trăng bởi Mặt trăng di chuyển quanh Trái đất theo một quỹ đạo không hoàn toàn tròn, vì vậy có một điểm duy nhất trên quỹ đạo của nó gần Trái đất nhất (cận điểm) cũng như một điểm xa nhất. Mặt trăng thường nằm cách Trái đất khoảng 384.000km nhưng sẽ gần hơn 23.000km vào đêm nay. Khi Mặt trăng ở gần Trái đất hơn bình thường, nó sẽ trông to nhất và sáng nhất nên được gọi là siêu trăng.

Noah Petro, trưởng phòng thí nghiệm Địa chất Hành tinh, Địa vật lý và Địa hóa học của NASA cho biết, có nhiều định nghĩa khác nhau về siêu trăng. Tuy nhiên, trăng tròn ở khoảng cách 90% cận điểm thường được gọi là siêu trăng, ông nói.

Mặc dù sự gia tăng kích thước được nhận thức này có thể khá nhỏ, NASA mô tả siêu trăng sáng hơn đáng kể so với các trăng tròn khác trong năm. Có thể khó để thấy sự khác biệt, nhưng siêu trăng tác động đáng kể đến Trái đất, dẫn đến thủy triều cao hơn bình thường.

Trong khi đó, trăng xanh xảy ra sau mỗi 2 đến 3 năm, khi có 2 lần trăng tròn trong một tháng dương lịch hoặc 4 lần trăng tròn trong một mùa. Tuy nhiên, điều thú vị là Mặt trăng sẽ không có màu xanh. Trên thực tế, nó sẽ có màu đỏ hoặc vàng hơn vào lúc chạng vạng do ánh sáng khúc xạ xung quanh bầu khí quyển ở đường chân trời.

Theo NASA, siêu trăng sẽ xuất hiện tròn đầy trong 3 ngày, từ chiều tối Chủ nhật đến thứ tư theo giờ Việt Nam. Mặt trăng sẽ đạt đến điểm gần Trái Đất nhất vào lúc 4h26 sáng AEST vào sáng mai, tức 1h26 sáng 20/8 giờ Việt Nam. Tất nhiên việc quan sát sẽ còn phụ thuộc vào thời tiết.

Tuy nhiên, ngay từ chiều tối 19/8 đã có thể quan sát siêu trăng và các nhà khoa học còn cho rằng đây là lúc trăng trông có vẻ lớn nhất. “Vào lúc chạng vạng, Mặt trăng sẽ trông lớn nhất vì ánh sáng được phản chiếu bởi bầu khí quyển”, Giáo sư thiên văn học Richard de Grijs của Đại học Macquarie cho biết.

Nếu mọi người muốn nhìn thấy một Mặt trăng lớn hơn bình thường, hãy nhìn vào lúc chạng vạng về phía đường chân trời”, ông nói thêm.

Petro cho biết niềm vui của những đợt trăng tròn này là nếu mây che khuất tầm nhìn, bạn có thể quan sát bất kỳ đêm nào trước hoặc sau đỉnh trăng tròn. “Vì vậy, thực ra có tới 3 ngày trăng tròn và đẹp nhất", ông cho biết.

Siêu trăng này còn được gọi là siêu trăng cá tầm. Niên giám Nông dân bang Maine (Mỹ) ghi rằng bộ tộc Algonquin, những người từng sống ở nơi hiện là vùng đông bắc Mỹ, gọi trăng tròn vào tháng 8 là trăng cá tầm, bởi loài cá này được đánh bắt dễ dàng hơn trong mùa này.

Thạch Anh (Nguồn: Guardian, CNN)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/sieu-trang-xanh-ram-thang-7-o-viet-nam-xem-duoc-luc-may-gio-ar890402.html