Siêu vùng du lịch sau hợp nhất TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Tây Ninh - Bài cuối: Sức mạnh cộng hưởng khi du lịch toàn vùng cùng nhìn về một hướng
Sau khi sáp nhập các tỉnh, thành, hơn bao giờ hết du lịch vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) mới cần một kế hoạch chung với tầm nhìn dài hạn, giải pháp cụ thể, quyết tâm chính trị đồng bộ; để thoát khỏi những rào cản dai dẳng, là con đường đưa ngành Du lịch cất cánh.
Nhiều giải pháp cụ thể từ các cơ quan Trung ương
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh (Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia), điều kiện tiên quyết hiện nay với du lịch vùng ĐNB là xác định vị thế “trung tâm du lịch liên vùng”. Khi TP HCM trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế; Tây Ninh là trung tâm du lịch tâm linh; Đồng Nai phát triển không gian sinh thái, công nghiệp và làng nghề; toàn vùng sẽ hình thành “bản đồ trải nghiệm” du lịch rõ nét, hạn chế cạnh tranh nội bộ, gia tăng tính bổ trợ.
Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ VH,TT&DL đã đề xuất khung quy hoạch liên kết du lịch vùng giai đoạn 2025 - 2030 với ba mục tiêu: Mỗi địa phương phát triển ít nhất một sản phẩm đặc trưng cấp quốc gia, hình thành tuyến trục trải nghiệm đô thị di sản, rừng nguyên sinh, không gian tâm linh và kéo dài thời gian lưu trú bình quân khách quốc tế lên 5 ngày. Đây là nền tảng quan trọng nâng sức cạnh tranh, thu hút du khách.
Liên quan vấn đề hạ tầng du lịch, vùng ĐNB được hứa hẹn sẽ có những sự hanh thông khi Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Cao tốc Bến Lức - Long Thành dự kiến hoàn thành cuối 2025, rút ngắn thời gian di chuyển từ miền Tây về Đồng Nai và TP HCM xuống dưới 90 phút. Sân bay quốc tế Long Thành đang được đẩy nhanh giai đoạn 1, dự kiến hoạt động năm 2026. Tuyến metro TP HCM - Biên Hòa - Tây Ninh sẽ được nghiên cứu, đồng thời nâng cấp bến tàu cao tốc và các điểm đón khách quốc tế tại Cần Giờ, TP HCM.
Ông Nguyễn Đăng Ninh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai) nhấn mạnh: “Hạ tầng du lịch không chỉ là đường sá mà còn là hệ thống thông tin, trạm dừng dịch vụ đạt chuẩn… Khi mà chúng ta kiến tạo được hành lang trải nghiệm du lịch xuyên suốt, liền mạch; nhất định ngành du lịch vùng ĐNB sẽ có những phát triển vượt bậc”.


Dâng đăng trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). (Ảnh: Nguyễn Minh Tú)
Về vấn đề xây dựng thương hiệu vùng đồng bộ để định vị hình ảnh trên thị trường quốc tế, Cục Du lịch Quốc gia đã trình Chính phủ phê duyệt Chiến dịch truyền thông quốc tế 2025 - 2030, gồm bộ nhận diện “Southeast Vietnam - The Symphony of Nature and Culture” (tạm dịch: Du lịch miền Nam Việt Nam, bản giao hưởng giữa thiên nhiên và bản sắc văn hóa); sản xuất phim quảng bá trên một số kênh truyền hình nổi tiếng thế giới; phát triển ứng dụng du lịch số tích hợp bản đồ, đặt tour, thanh toán điện tử và sàn thương mại điện tử quảng bá sản phẩm OCOP, quà lưu niệm đặc trưng. Đồng thời, nghiên cứu thành lập Trung tâm Điều phối Du lịch liên vùng, hoạt động theo cơ chế công - tư, làm đầu mối xúc tiến, điều phối dòng khách và truyền thông.
Niềm tin vào mục tiêu “thủ phủ du lịch hàng đầu Đông Nam Á”
Trong các giải pháp cụ thể, còn có nội dung ĐNB sẽ phát triển các Khu du lịch sinh thái quốc gia tại hồ Trị An, rừng Mã Đà, núi Chứa Chan; hình thành Trung tâm Tâm linh - Văn hóa núi Bà Đen, kết nối Tòa thánh Cao Đài, Củ Chi, Cần Giờ thành tuyến tour tôn giáo độc đáo. Mô hình “Holiday Road” trải nghiệm biển, rừng, phố dự kiến tạo khác biệt và tăng sức hấp dẫn.
Về ứng dụng công nghệ phát triển du lịch, Bộ KH&CN phối hợp Bộ VH,TT&DL đã đặt mục tiêu đến 2030, tất cả điểm đến trọng điểm đều được gắn mã QR thông minh để du khách dễ dàng tra cứu thông tin. Toàn bộ tour và dịch vụ sẽ tích hợp thanh toán không tiền mặt. Nền tảng dữ liệu du khách ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được xây dựng nhằm phân tích hành vi, tối ưu công tác tiếp thị.
Ông Lê Trương Hiền Hòa (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM) cho biết: “Chúng tôi đang phát triển Bản đồ du lịch số Đông Nam Bộ trên nền tảng ứng dụng điện thoại thông minh. Du khách chỉ cần vài thao tác đơn giản để tự thiết kế lịch trình, đặt dịch vụ và lưu giữ kỷ niệm chuyến đi”.

Lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM chào đón du khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Một yếu tố quan trọng khác là nâng cao chất lượng nhân lực du lịch. Như Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh: “Nếu chỉ có cảnh đẹp mà thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, không ai quay lại”, nên cần xây dựng các Học viện Du lịch - Dịch vụ, áp dụng tiêu chuẩn nghề nghiệp ASEAN, tổ chức các khóa đào tạo ngoại ngữ, công nghệ, kỹ năng quản trị trải nghiệm.
Trên nền tảng tài nguyên, hạ tầng, nhân lực, cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch được coi là một trong những đòn bẩy. Trong giai đoạn 2025 - 2030, ĐNB sẽ được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án du lịch xanh, ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển Du lịch Quốc gia, áp dụng cơ chế một cửa xúc tiến đầu tư, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng phụ trợ hiện đại.
Cuối cùng, khát vọng phát triển du lịch phải đi cùng nguyên tắc bất biến “không đánh đổi môi trường”. Tất cả dự án du lịch cần phải kèm kế hoạch bảo vệ sinh thái dài hạn; bảo tồn nghiêm ngặt hồ Trị An, rừng Cát Tiên, Cần Giờ; thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm sản phẩm nhựa dùng một lần...
Nếu toàn vùng cùng nhìn về một hướng trong phát triển du lịch, đặt lợi ích chung lên trên những tính toán cục bộ, kiên trì nuôi dưỡng trải nghiệm xứng tầm quốc tế, ĐNB hoàn toàn có thể vươn lên trở thành thủ phủ du lịch hàng đầu Đông Nam Á; điểm đến kỳ thú với đầy đủ hài hòa những du lịch biển, rừng, phố, tâm linh, khẳng định đẳng cấp trên bản đồ du lịch thế giới.
Tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, các địa phương sau khi sáp nhập cần rà soát, đánh giá lại tài nguyên trong không gian rộng hơn, từ đó có chiến lược phân khu, định vị điểm đến du lịch. Các địa phương cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ "điểm nghẽn" trong quản lý, tạo điều kiện cho DN đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch. Tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số. Các địa phương xác định rõ thế mạnh sản phẩm của mình, có chiến lược hợp tác, liên kết vùng để tạo chuỗi sản phẩm chất lượng. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, các sản phẩm phải có chiều sâu; chú trọng phát huy các giá trị di tích, di sản văn hóa làm tài nguyên phát triển du lịch.